Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/06/2012-08:55:00 AM
Giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - EU

PCA sẽ mở ra một chương mới của quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, phù hợp với tầm vóc mới của EU, vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong những năm tới.

Ngày 4/10/2010, Trưởng đoàn đàm phán của hai Bên đã ký tắt PCA với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990) đến nay, quan hệ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã trải qua một quá trình phát triển tích cực và năng động. EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ đến ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA) đã được ký tắt tháng 10/2010 và chuẩn bị ký chính thức (27/6/2012) là một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai bên, đưa quan hệ chuyển sang một giai đoạn mới với phạm vi và mức độ hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Barosso đã khẳng định tại Lễ ký tắt, PCA sẽ mở ra một chương mới của quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, phù hợp với tầm vóc mới của EU, vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong những năm tới.
Tiềm lực và vị thế của EU
Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 nước thành viên với trên 500 triệu dân, là thực thể chính trị, kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới, có 2 trong tổng số 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 4 trong Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), 4 trong Nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Từ sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực (12/2009), EU có tư cách pháp nhân và chức vụ Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và an ninh với mục tiêu tăng cường tiếng nói chung, mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế. Tại Liên Hợp Quốc, từ tháng 5/2011, EU có quy chế “siêu quan sát viên”, được tham gia vào hầu hết các hoạt động của tổ chức này như một thành viên đầy đủ (1), thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của EU trên các diễn đàn quốc tế.
EU hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng GDP năm 2011 đạt hơn 17,578 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu. EU là đối tác thương mại, nhà đầu tư, nhà tài trợ hợp tác phát triển lớn nhất thế giới và trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Không tính thương mại nội khối, EU là nhà xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 684 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt gần 600 tỷ USD tương đương 25% và 22% trao đổi thương mại toàn cầu (2).
EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới với tổng vốn đầu tư trực tiếp ra bên ngoài (FDI) năm 2011 đạt khoảng 463 tỷ USD. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế trong thời gian qua, EU vẫn duy trì vai trò là nhà tài trợ lớn nhất thế giới với 53 tỷ euro viện trợ phát triển (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011, chiếm hơn 50% tổng viện trợ của thế giới.
Về tài chính, 9 trong số 20 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới tập trung tại EU. Đồng tiền chung châu Âu (Euro) ra đời năm 1999 đã trở thành một trong những đồng tiền dự trữ ngoại hối chủ chốt trên thế giới, thay đổi cơ bản hệ thống tiền tệ thế giới cũ với vị trí chủ đạo của đồng đô la Mỹ.
Trải qua lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, EU đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ… hàng đầu thế giới. Với tiềm lực và vai trò quan trọng trên nhiều lĩnh vực, EU thực sự là một đối tác có tầm quan trọng toàn cầu, có vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - EU hơn 20 năm qua
Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ với EU cũng như với các nước thành viên EU. Phát triển quan hệ với EU nằm trong chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam ngay từ những năm đầu của công cuộc Đổi mới. Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu (EC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 11 năm 1990 và ký Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EC năm 1995.
Việc thiết lập quan hệ với EC đã giúp thúc đẩy quá trình bình thường hóa và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. EU luôn tích cực ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế: EU là đối tác quan trọng đầu tiên kết thúc đàm phán với Việt Nam về việc gia nhập WTO; EU tích cực ủng hộ Việt Nam ứng cử chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Sự ủng hộ của EU là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển, mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, qua đó ngày càng nâng cao hình ảnh, vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong hơn 20 năm qua, quan hệ hai bên đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Về chính trị, Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt, tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có những chuyến thăm rất thành công tới EU và các nước thành viên.
Nguyên thủ nhiều nước thành viên EU, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) và nhiều Ủy viên EC phụ trách Đối ngoại, Thương mại, Môi trường và Hợp tác phát triển đã thăm Việt Nam. Nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác, đối thoại được triển khai hiệu quả. Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – EU lần đầu tiên đã được tổ chức thành công tại Hà Nội tháng 2/2012. Về quan hệ song phương với các nước thành viên, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Anh, Đức, Tây Ban Nha, quan hệ đối tác chiên lược trên một số lĩnh vực với Hà Lan và Đan Mạch trong tổng số 10 nước màViệt Namcó khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hiện nay.
EU là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Việt Nam sau thị trường Mỹ. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20% năm, từ 1,5 tỷ USD năm 1995 lên hơn 24 tỷ USD năm 2011. EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, một số mặt hàng tiêu dùng khác.
Việt Nam nhập từ EU máy móc thiết bị, tân dược, máy bay. Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam- EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu (3). Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Về đầu tư, hầu hết các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2011, các nước EU có 1.687 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 32 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 13 tỷ USD. Các dự án của EU được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam và EU có thế mạnh như công nghiệp, chế biến, khách sạn, nhà hàng, du lịch và tài chính ngân hàng, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới hơn 50% số dự án và khoảng 59% tổng vốn đầu tư (4).
Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1996 – 2011 là hơn 12 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ cải cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, EU sẽ tiếp tục ưu tiên các dự án hợp tác và hỗ trợ vốn ưu đãi để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo, đối phó với hậu quả biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên…Sự hỗ trợ của EU đã đóng góp tích cực vào thành tích xóa đói giảm nghèo, cũng như những thành công trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam.
PCA: khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam – EU
Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt Nam - EU đã đặt ra nhu cầu phải xây dựng khuôn khổ hợp tác mới, phản ánh được mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ và tạo khung pháp lý mới thay thế Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995. Tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam – EU đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, chủ trương xây dựng “quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và EU vì hoà bình và phát triển", tạo cơ sở cho việc đàm phán và ký kết PCA với EU.
Về phía EU, trong Chiến lược quan hệ với các nước Đông Nam Á (2003), EU nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với ASEAN và chủ trương đàm phán các hiệp định hợp tác thế hệ mới với từng nước thay thế cho Hiệp định EC – ASEAN (ký năm 1980) nay không còn phù hợp. Từ năm 2007, EU đã lần lượt tiếp cận các nước ASEAN đề nghị đàm phán PCA, nhằm xây dựng khuôn khổ hợp tác mới giữa EU với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, ngày 10/10/2007, Uỷ viên đối ngoại Ủy ban Châu Âu Benita đã chính thức đề nghị đàm phán PCA giữa Việt Nam và EU với mục tiêu thay thế Hiệp định hợp tác khung Việt Nam - Cộng đồng Châu Âu 1995.
Tháng 10/2007, EU chính thức đề nghị Việt Nam đàm phán Hiệp định PCA thay thế Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EC với mục đích chính là mở rộng vai trò của EU tại khu vực; tranh thủ hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như khai thác các lợi thế của EU trong hợp tác với Việt Nam. Về phía ta, mục đích chính trong đàm phán PCA là mở rộng, đưa quan hệ với EU thành quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài; ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển với EU; khai thác hiệu quả lợi ích trong hợp tác, tận dụng tốt hỗ trợ của EU để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tháng 11/2007, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso đã nhất trí khởi động đàm phán PCA. Sau hơn 2 năm với 9 vòng đàm phán (từ tháng 6/2008 đến tháng 10/2010), hai bên đã thỏa thuận được toàn bộ nội dung Hiệp định. Ngày 4/10/2010, Trưởng đoàn đàm phán của hai Bên đã ký tắt PCA với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso.
Hiệp định PCA là hiệp định khung điều chỉnh quan hệ Việt Nam – EU thay thế Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995. Hiệp định gồm 8 chương (Bản chất và Phạm vi; Hợp tác phát triển; Hòa bình và An ninh; Thương mại và Đầu tư; Hợp tác pháp luật; Hợp tác trong phát triển kinh tế xã hội và các lĩnh vực khác; Thể chế; Các điều khoản cuối cùng), 65 điều và các phụ lục đính kèm, quy định các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Việt Nam - EU, xác định nội dung, phạm vi và hình thức hợp tác, tạo khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác phát triển, thương mại- đầu tư, đến hợp tác tư pháp, bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác chuyên ngành... So với Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995, Hiệp định PCA bổ sung nhiều lĩnh vực hợp tác mới mà Việt Nam có nhu cầu và EU có thế mạnh, trong đó có khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, quy hoạch đô thị, du lịch, khắc phục hậu quả chiến tranh.
PCA dành ưu tiên cao cho hợp tác phát triển và thương mại – đầu tư khi có 2 chương riêng cho những lĩnh vực này. Về thương mại - đầu tư, hai bên đạt được các thỏa thuận quan trọng cho phép Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi hơn thị trường và các nguồn vốn của EU. Hai bên cũng thỏa thuận nhiều nội dung hợp tác mới trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai...
Đồng thời, PCA khẳng định hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và rửa tiền, ứng phó với biến đổi khí hậu... Ngoài ra, PCA còn có 3 Tuyên bố chung (về vấn đề Quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam; Cơ quan tiếp nhận thông tin ngân hàng về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Thực thi nghĩa vụ) và 1 Tuyên bố đơn phương của EU về cam kết giúp Việt Nam tận dụng ưu đãi của Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Nhìn chung, các thỏa thuận trong PCA đã phản ánh hài hòa lợi ích và ưu tiên của hai bên. Các nguyên tắc căn bản quy định tại PCA như tính tới sự khác biệt về trình độ phát triển và luật pháp mỗi bên là phù hợp với khả năng của Việt Nam.
Triển vọng quan hệ Việt Nam- EU sau khi ký chính thức PCA
PCA tạo khuôn khổ mới, dài hạn và toàn diện cho quan hệ Việt Nam – EU, phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của hai bên cũng như xu thế chung hợp tác và phát triển trên thế giới. Các thỏa thuận trong PCA là tiền đề quan trọng để hai bên thiết lập các cơ chế hợp tác cụ thể, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác song phương trong những năm tới.
Về chính trị, Hiệp định PCA sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Các thỏa thuận đạt được trong PCA về chính trị, an ninh hòa bình là cơ sở để hai bên tăng cường đối thoại và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, cả trên bình diện song phương và các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM và đặc biệt là ASEAN –EU khi Việt Nam sẽ là nước điều phối quan hệ ASEAN-EU vào tháng 7/2012. Với định hướng đối ngoại là “thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Việt Nam sẽ tăng cường tham gia, hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu với các đối tác, trong đó EU trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố, bảo đảm an toàn hạt nhân, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và an ninh hàng hải.
Về thương mại- đầu tư, PCA tạo điều kiện thuận lợi, cho phép khai thác tốt hơn lợi thế so sánh và tính bổ sung cao về cơ cấu kinh tế của hai bên. EU có trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ cao, những mặt hàng mà các nước EU có thế mạnh thuộc các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, hoá chất, giao thông vận tải, hàng không, dược phẩm và dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng lớn. Đây là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng theo đà phát triển của nền kinh tế, nhưng khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của EU phần lớn là cao su nguyên nhiên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu… là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh. Tiềm năng mở rộng thị phần xuất khẩu của Việt Namvào EU còn lớn vì thương mại Việt Nam – EU chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch của EU. Việc PCA dành một chương riêng về thương mại - đầu tư cho thấy sự quan tâm của hai bên đối với tiềm năng phát triển của lĩnh vực này. PCA cho phép Việt Namtiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn. Cụ thể, EU cam kết tăng cường tham vấn nâng cao hiệu quả sử dụng những lợi ích mà quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) có thể mang lại cho Việt Nam, cam kết dành cho Việt Nam đối xử đặc biệt và khác biệt trong quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác với Việt Nam hướng tới sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Ngoài ra, PCA đã tạo tiền đề quan trọng để hai bên bước vào đàm phán hiệp định FTA. Việc đàm phán và ký kết FTA Việt Nam - EU sẽ mở ra nhiều cơ hội, xóa bỏ các rào cản thương mại quan thuế và phi quan thuế, tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Hiện nay, chỉ có khoảng 42% xuất khẩu củaViệt Namsang EU được hưởng thuế suất 0% (so với 80 - 85% của Malaysia và Philippines). Nếu FTA được thực hiện, tỷ lệ này có thể tăng lên 90%, giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 35%. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đàm phán FTA, EU sẽ đẩy nhanh việc công nhận Quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Namtrong đấu tranh với các hình thức bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá.
Về hợp tác phát triển, EU cam kết về nguyên tắc trong PCA (với một chương riêng) tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Namtrong giai đoạn mới sau năm 2013, phù hợp với các chiến lược và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. EU cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển được quốc tế thừa nhận, trong đó có các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc(MDGs). Đây là cơ sở đểViệt Nam tiếp tục tranh thủ các hỗ trợ cần thiết của EU và các nước thành viên EU trong tương lai, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia.
PCA cũng mở rộng các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành mà EU có thế mạnh vàViệt Nam có nhu cầu với những cam kết cụ thể của EU về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong mỗi lĩnh vực; tạo cơ sở cho Việt Namkhai thác các thế mạnh khoa học, công nghệ của EU, tận dụng tốt hỗ trợ của EU để triển khai hiệu quả đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Tóm lại, với sự phát triển mạnh mẽ và tích cực của quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên trong suốt hơn 20 năm qua, việc ký chính thức PCA và khởi động đàm phán FTA Việt Nam-EU sẽ mở ra triển vọng quan hệ Việt Nam và EU hết sức lạc quan. Quan hệ hai bên đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với phạm vi và mức độ hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Chú thích:
(1) Bao gồm: quyền được phát biểu, đề xuất và sửa đổi các nghị quyết, quyền được trả lời, đề xuất thứ tự ưu tiên các vấn đề và quyền phát tán tài liệu.
(2) Theo World Trade Report 2011 của WTO, Mỹ đứng thứ hai với 18%, Trung Quốc 6%, Nhật Bản 5% và Singapore 4%.
(3) Xuất siêu của Việt Nam vào EU năm 2007 là 3,948 tỷ USD, năm 2008 là 5,314 năm 2009 là 3,548 tỷ USD, năm 2010 là 6,5 tỷ USD và năm 2011 là 8,8 tỷ USD là mức cao nhất trong những năm gần đây.
(4) Trong đó công nghiệp nặng khoảng 40% số dự án, tổng số đầu tư 6 tỷ USD, tiếp theo là khai thác dầu khí với gần 20 dự án và 2,4 tỷ USD vốn đầu tư, dịch vụ chiếm 35% số dự án và 32% tổng vốn đầu tư, còn lại là các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1537
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)