Cùng ngồi lại trong một hội thảo chuyên đề nhân dịp kỷ niệm 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam cùng có chung một nhận định là trong đàm phán thương mại quốc tế sắp tới, rất nhiều bài học quý giá trong quá khứ cần được tham khảo nghiêm túc.
Một thập kỷ trước, quan điểm và nhận thức về gia nhập WTO vẫn chưa thật thông suốt trong các cấp lãnh đạo. Nhiều người khi đó vẫn chưa hiểu được một điểm khác biệt hết sức căn bản: trong các đàm phán thương mại song phương khác, đàm phán là... đàm phán, trong khi đàm phán gia nhập WTO, thực chất là ta đang... nộp đơn để tổ chức này chấp nhận và kết nạp.
Một hội nghị Trung ương khi đó đã đưa vào dự thảo của mình rằng Việt Nam đặt mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005 bên cạnh một loạt mục tiêu khác, điều mà nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cùng với một số ủy viên Trung ương khác, đã quyết liệt phản đối.
May mắn là, nội dung nói trên cuối cùng đã không được đưa vào nghị quyết, thay vào đó, chỉ ghi chung chung là Việt Nam "nỗ lực gia nhập WTO sớm", và điều này đã trả lại cho đoàn đàm phán một vị thế chủ động hơn để đàm phán, hơn là gắn mình vào một mục tiêu đã được định sẵn.
Kể lại chuyện này, ông Tuyển ví von rằng vào WTO giống như đi lấy vợ. "Khi mình cố gắng đưa ra một mục tiêu thời gian, rất khó để đạt được, mặc dù trong lòng mình rất muốn".
Việt Nam lẽ ra có thể đã không được gia nhập WTO vào thời điểm tháng 1/2007. Theo một kế hoạch không công bố của WTO, thời điểm đó lẽ ra đã phải dành cho nước Nga. Có chút may mắn khi mà, cho dù một số nội dung chưa thật sự "thông", thì cuối cùng WTO cũng đã chấp thuận Việt Nam.
Trong nhiều năm trời, ông Tuyển và đoàn đàm phán đã có hàng trăm phiên họp, thảo luận khác nhau với WTO và các đối tác, và thấm thía hơn hết những khó khăn, thử thách mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là việc Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các quốc gia đã vào WTO từ trước năm 1995.
Có lần, ông đưa vấn đề này hỏi thẳng Pascal Lamy, Tổng giám đốc của WTO, rằng có phải các quốc gia vào sau đang bị phân biệt đối xử không. Câu trả lời là: "Đúng vậy, nhưng đó là cuộc sống!". Thông điệp của vị Tổng giám đốc WTO là rất rõ ràng: Việt Nam không có cách nào khác là ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết từng vấn đề cụ thể thay vì duy ý chí về mục tiêu và thời điểm gia nhập WTO!
Đánh giá một cách tổng thể về quá trình đàm phát, ông Tuyển cho rằng về cơ bản các mục tiêu đã đạt được, nhưng cũng nói rằng một số nội dung vẫn có có thể làm tốt hơn nữa nếu chủ động hơn nữa.
Trong khi đó, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, cũng là một nhân vật được nhắc đến nhiều với tư cách là một lãnh đạo của đoàn đàm phán gia nhập WTO. Theo ông Tự, một trong những bài học lớn nhất từ đàm phán WTO chính là sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc từ trong nước.
"Hội nhập thành công hay không chính là từ những thay đổi từ bên trong của mình. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kỹ càng các đối tác cũng như luật chơi của WTO đã góp phần giúp cho đàm phán thành công. Những bài học này vẫn rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong rất nhiều cuộc đàm phán trước mắt", ông nói./.
Thời báo kinh tế Việt Nam