Phân tích nguyên nhân và xu hướng đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nay đến cuối năm, TS. Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng mục tiêu thu hút 15-16 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 tỷ USD vẫn có thể thực hiện được.
|
TS. Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài
|
Thưa ông, con số 6,4 tỷ USD trong thu hút FDI nửa đầu năm 2012 dường như cho thấy dấu hiệu FDI đang chậm lại và nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra?
TS. Đỗ Nhất Hoàng: Mục tiêu thu hút FDI trong năm 2012 khi được công bố là đã được lường trước tới những yếu tố ảnh hưởng từ môi trường đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố bất định, khó dự đoán đã tác động không thuận tới đầu tư của Việt Nam.
Song nếu nói FDI đang giảm thì chưa hẳn đã đúng. Vốn FDI đăng ký đang trong xu hướng giảm nhưng Việt Nam đang hướng tới việc nâng cao chất lượng luồng vốn đầu tư, vì vậy, trong ngắn hạn số lượng sẽ giảm đi, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay thì không thể vừa đòi hỏi cả chất lượng lẫn số lượng. Có thể nói, những số liệu thống kê về FDI trong 6 tháng đầu năm cũng phần nào nằm trong dự tính của chúng ta.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn đăng ký là khoảng 6,4 tỷ USD và vốn giải ngân là 5,4 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2011 thì vốn đăng ký và giải ngân lần lượt là 8,83 tỷ USD và 5,3 tỷ USD. Tương tự, so sánh với năm 2010 thì vốn đăng ký đạt 10,5 tỷ USD và giải ngân khoảng 5,4 tỷ USD. Qua việc xem xét số liệu của các năm, vốn giải ngân vẫn liên tục được giữ ổn định qua các năm. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhưng theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc
(UNCTAD) thì dòng vốn FDI, trong những tháng đầu năm chảy vào Indonesia hay Thái Lan vẫn tăng khoảng 20-30% trong khi Việt Nam lại giảm, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
TS. Đỗ Nhất Hoàng: Tôi cho rằng vốn FDI chảy vào Thái Lan tăng mạnh thì cũng chưa hẳn chính xác vì qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, châu Âu… đang đầu tư tại Thái Lan cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Thái Lan vì lo ngại về tình hình chính trị không ổn định, nền kinh tế vẫn rất khó khăn kể từ sau thảm họa lũ lụt lịch sử…
Nhưng câu chuyện của Indonesia thì khác, cũng đáng để suy nghĩ. Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang nghiên cứu về tình hình thu hút vốn FDI của quốc gia này để từ đó cải thiện hơn môi trường đầu tư, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Ông có nhận xét gì về sự chuyển dịch luồng vốn FDI như cơ cấu vốn đầu tư, xu hướng giải ngân đến cuối năm ?
TS. Đỗ Nhất Hoàng: Xét về cơ cấu vốn đầu tư cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Năm 2011, công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 64% trong tổng vốn FDI thì năm nay là 65,3%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 35% trong năm 2011 đã giảm nhẹ xuống 34% trong nửa đầu năm 2012, nông nghiệp tăng đôi chút từ mức 0,4% năm 2011 lên 0,9% trong 6 tháng đầu năm 2012.
Điều đáng lưu ý trong thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm là Nhật Bản đã đầu tư 1,2 tỷ USD cho dự án Tokyu ở Bình Dương, chiếm tỷ trọng khá đáng kể trong tổng vốn 6,4 tỷ USD. Cho dù có quan điểm lo ngại về FDI vào lĩnh vực bất động sản song điều này thể hiện dấu hiệu tốt vì nhà đầu tư Nhật Bản vốn rất cẩn trọng khi cân nhắc quyết định đầu tư. Nếu loại trừ dự án này thì cơ cấu đầu tư những tháng qua lại càng bền vững hơn khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rõ rệt.
Về xu hướng, nếu so sánh tháng 6 với tháng 5 thì tình hình vẫn khá ổn định. Hết tháng 5/2012, vốn FDI đăng ký đầu tư là 5,4 tỷ USD, giải ngân là 4,5 tỷ USD. Đến hết tháng 6/2012, vốn đăng ký là 6,4 tỷ USD thì giải ngân cũng đạt 5,4 tỷ USD. Tương tự, cơ cấu vốn đầu tư cũng duy trì mức đều như thế.
Với đà này, nếu không có những yếu tố biến động khá lớn, với những biện pháp, giải pháp đang được Chính phủ và các bộ ngành triển khai nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài… thì tôi cho rằng đến cuối năm Việt Nam vẫn duy trì và đạt được mục tiêu đề ra trong việc thu hút vốn FDI và giải ngân cả năm 2012 dự kiến sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ