Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) ngày 26/6 cho rằng Mỹ cần hành động để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng về thu nhập cũng như các vấn đề cơ bản khác.
Trong nghiên cứu mới nhất về tình hình kinh tế Mỹ, OECD lưu ý mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm so với mức cao kỷ lục trong năm 2009, song tác động của cuộc suy thoái kinh tế đối với thị trường lao động vẫn còn dai dẳng.
Để ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp dài hạn trở thành căn bệnh kinh niên, OECD khuyến cáo Mỹ nên tập trung nhiều hơn cho các chương trình phục hồi thị trường lao động thực sự. OECD dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ đứng ở mức 8,1% trong năm 2012 và giảm xuống còn 7,6% trong năm 2013.
Theo OECD, kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,4% trong năm 2012 và 2,6% trong năm 2013.
Nghiên cứu của OECD cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng về thu nhập ở Mỹ, cho rằng khoảng cách về thu nhập nới rộng là nguyên nhân chủ yếu làm tăng phí đào tạo và khiến cán cân thu nhập ngày càng nghiên về những người kiếm được nhiều tiền nhất trong hai thập kỷ qua.
Theo các dữ liệu trong nghiên cứu của OECD, Mỹ đang thất bại trong việc giảm bớt những khó khăn trong các chương trình cải cách.
Năng suất ở Mỹ mặc dù vẫn tăng nhanh hơn so với hầu hết các nước khác trong OECD nhưng lại chậm lại kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ngoài ra, các công ty Mỹ dường như không có khả năng kiên trì cải cách như các công ty ở các nước khác trong OECD.
OECD cho rằng Mỹ cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để có thể cung cấp cho thị trường lực lượng lao động có tay nghề để nâng cao năng suất và đáp ứng với sự thay đổi công nghệ.
Bên cạnh đó, môi trường giảng dạy và tiếp cận các kiến thức trung học phổ thông về khoa học, công nghệ, ứng dụng khoa học và toán học cũng cần được tăng cường.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò do Viện Gallup tiến hành và công bố ngày 26/6, niềm tin vào nền kinh tế của người dân Mỹ tiếp tục giảm trong tuần qua xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Lòng tin của người Mỹ giảm sút chủ yếu do báo cáo về tình hình việc làm trong tháng 5 vừa qua không được như mong đợi cộng với cuộc khủng hoảng ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng.
Thăm dò cho thấy chỉ số lòng tin kinh tế tại Mỹ đã giảm xuống còn -26 điểm trong tuần qua, giảm trong 4 tuần liên tiếp trở lại đây và là mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Chỉ số lòng tin kinh tế của Gallup bao gồm hai thước đo là đánh giá tình hình kinh tế hiện tại và đánh giá triển vọng kinh tế trong tương lai gần./.