Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/01/2012-10:04:00 AM
Thúc đẩy thí điểm Kế hoạch hành động chung Việt Nam – Liên Hợp Quốc
(MPI Portal) - Sáng ngày 11/1/2012, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh đã có buổi gặp mặt và làm việc với bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh tiếp bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Thứ trưởng Cao Viết Sinh đánh giá cao sự hiện diện của bà Pratibha Mehta ngày hôm nay để cùng thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng cho biết Việt Nam đang triển khai kế hoạch 5 năm vừa được Chính phủ thông qua, và đồng thời cũng đang triển khai các chuyên đề thực hiện chiến lược 10 năm tập trung chủ yếu vào 3 mục tiêu chính về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong thông điệp đầu năm 2012, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng có đề cập đến vấn đề thể chế kinh tế thị trường. Việt Nam dù đã vượt qua mức thu nhập trung bình nhưng vẫn còn là nước nghèo, do vậy Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ từ các quốc gia khác và sự giúp đỡ từ phía Liên Hợp Quốc đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2015 và mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu tại buổi tiếp, bà Pratibha Mehta nhận định rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một đối tác rất quan trọng của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Bà cũng rất ấn tượng về sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian qua. Nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, bà cho biết không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trong Liên Hợp Quốc đều rất coi trọng vai trò lãnh đạo của Chính phủ bởi lẽ đẩy mạnh cải cách Liên Hợp Quốc là phải xuất phát từ sự lãnh đạo của các Chính phủ các quốc gia cấu thành nên tổ chức này.
Bàn về thực hiện thí điểm Kế hoạch hành động chung Việt Nam – Liên Hợp Quốc, bà Pratibha Mehta đã đánh giá rất cao sự tham gia tích cực của tất cả các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch chung. Cũng trong buổi tiếp, bà bày tỏ hy vọng rằng việc ký kết về thực hiện kế hoạch chung giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc sẽ sớm được diễn ra trong tháng 2, bởi lẽ đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư quyết định các cam kết tài trợ vào tháng 3.
Ngân sách thực hiện cho Kế hoạch chung lần thứ 2 đã được Liên Hợp Quốc cho phép kéo dài đến cuối tháng 6 để tránh những trở ngại, vướng mắc trong quá trình triển khai. Mặc dù việc gia hạn ngân sách do Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm, tuy nhiên đối với những khâu cần phê duyệt trong quá trình gia hạn, bà vẫn hy vọng rằng Chính phủ và các bộ ngành sẽ tích cực hỗ trợ. Ban chỉ đạo Kế hoạch chung được kỳ vọng sẽ trở thành Ban chỉ đạo 3 bên thông qua diễn đàn thảo luận sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Bà Pratibha Mehta đã mời Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh đồng chủ trì Hội nghị này. Đây sẽ là diễn đàn quan trọng nhất cho các bên đóng góp ý kiến cho việc thực hiện sáng kiến thống nhất hành động. Nhóm điều phối chương trình mới chịu trách nhiệm giám sát thực hiện các khâu trong kế hoạch chung đã có hoạt động hết sức hiệu quả, đây sẽ là tiền đề cho những hoạt động trong tương lai.
Bàn về các danh mục dự án đầu tư, bà Pratibha Mehta khẳng định tầm quan trọng của việc thông qua danh mục dự án đầu tư của Chính phủ Việt Nam nói chung và của các quốc gia nói riêng. Dù Liên Hợp Quốc đã rất nỗ lực cho mục tiêu thống nhất hành động, tuy nhiên do thể chế khác nhau của các quốc gia thành viên, việc hành động một cách đồng bộ và thống nhất các khâu cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là khi việc huy động ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào việc phê duyệt các danh mục dự án của các quốc gia. Do đó, bà hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ quá trình này với việc phê duyệt kịp thời các danh mục dự án đầu tư.
Trả lời câu hỏi của bà Pratibha Mehta về kỳ vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cho Việt Nam theo tầm nhìn chính trị với mục tiêu cân bằng kinh tế xã hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với thế giới, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh cho biết trong bối cảnh hội nhập Việt Nam rất cần hoàn thiện khung chính sách, thể chế dưới sự tư vấn khách quan của Liên Hợp Quốc. Khối ASEAN hiện đang xây dựng 3 trụ cột về chính trị, kinh tế và văn hoá đến năm 2015. Với những kinh nghiệm của Liên Hợp Quốc về tổ chức cộng đồng, Việt Nam với tư cách là thành viên ASEAN hy vọng rằng Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ xây dựng thành công cộng đồng chung ASEAN. Bên cạnh đó, với vị trí trong các tổ chức kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới, Việt Nam cũng mong muốn sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc nhằm tận dụng lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước những biến động của nền kinh tế thế giới, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh bày tỏ quan điểm rằng đây sẽ là những thách thức hết sức gay gắt trong quá trình phát triển của Việt Nam và việc nhận diện các thách thức này dưới sự tư vấn hỗ trợ cùa Liên Hợp Quốc là vô cùng quan trọng. Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam tư vấn đổi mới thể chế, cải cách thủ tục, vì một Chính phủ năng lực và một Chính phủ công khai minh bạch.
Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong thời gian vừa qua. Thời gian tới, Thứ trưởng Cao Viết Sinh hy vọng rằng sẽ luôn có sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược của Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1187
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)