Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Australia Wayne Swan cho biết Australia sẽ đặt mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ở mức "khiêm tốn" trở lại trong tài khoá 2012-2013.
Chính phủ Australia đã dự kiến ngân sách nước này đạt thặng dư khoảng 1,5 tỷ đôla Australia (1,6 tỷ USD) trong tài khóa 2012/2013 (bắt đầu vào ngày 1/7 tới) nhờ không bị rơi vào suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Đây là một trong những mức đảo ngược ngân sách lớn nhất trong lịch sử Australia, khi tài khóa hiện tại được dự kiến có thể thâm hụt ít nhất là 37,1 tỷ đôla Australia (AUD).
Kế hoạch ngân sách mới của ông Wayne Swan cũng sẽ cắt giảm tỷ lệ chi tiêu của chính phủ/GDP trong tài khóa tới thêm 1,6%, xuống mức 23,5%/GDP. Đây cũng là tỷ lệ chi tiêu của chính phủ/GDP thấp nhất của Australia kể từ tài khóa 1987-88.
Theo ông Wayne Swan, nền kinh tế Australia được hưởng lợi nhiều từ tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Trước đó, Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng cho rằng thặng dư ngân sách là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Australia và việc nước này đạt thặng dư trở lại cho thấy Australia đang "đi đúng hướng."
Tuy nhiên, Chính phủ Australia thừa nhận rằng, trong khi những nhân tố cơ bản của nền kinh tế tương đối vững chắc thì đối với các doanh nghiệp ngoài ngành khai mỏ, vấn đề vẫn khá khó khăn, đặc biệt là đối với những ngành bị ảnh hưởng bởi đồng AUD tăng cao.
Cũng vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã hạ dự báo tăng trưởng của Australia trong tài khóa hiện tại (kết thúc vào ngày 30/6/2012) từ mức 3,5% xuống còn 2,75%, do xuất khẩu sụt giảm vì kinh tế toàn cầu bất ổn và sự mạnh lên của đồng AUD.
Việc hạ dự báo tăng trưởng trên được RBA đưa ra sau 3 ngày ngân hàng này cắt giảm lãi suất chính thức thêm 50 điểm cơ bản, xuống mức 3,75% - mức cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2009.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ngay lập tức hoan nghênh kế hoạch đạt thặng dư ngân sách của Australia khi nói rằng điều này sẽ giúp Australia "tái thiết lập cú đệm tài khóa" của họ.
Theo ông Anoop Singh, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của IMF, việc đạt thặng dư trở lại của Australia trong tài khoá tới sẽ đặt nước này vào một vị thế tốt hơn để đối phó lại với những cú sốc về kinh tế.
Tuy nhiên, ông Anoop Singh cũng cảnh báo những nguy cơ đối với kinh tế Australia, khi dòng vốn đầu tư vào ngành khai thác tài nguyên tăng mạnh hơn dự kiến, dẫn đến tăng trưởng bùng nổ, đẩy lạm phát và lương bổng lên cao.
Ông Singh cho rằng không phải tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều được hưởng lợi từ sự bùng nổ của ngành khai khoáng và các cuộc cải cách cần phải "xây dựng được một nền kinh tế linh hoạt và năng động hơn" để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững.
Bộ trưởng Tài chính Australia Wayne Swan sẽ chính thức công bố kế hoạch ngân sách tài khóa 2012/13 - một trong những kế hoạch ngân sách khắc khổ nhất trong nhiều năm qua của nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào ngành khai mỏ này, vào ngày 8/5, với việc cắt giảm mạnh chi tiêu nhằm đạt mục tiêu thặng dư ngân sách trở lại./.