Năm 2006, tại Quebec, Canada có 3.200 hợp tác xã với hơn 7,7 triệu xã viên. Lúc bấy giờ dân số tại đây chỉ khoảng 7,5 triệu người(1). Điều này có nghĩa là nhiều người dân ở vùng này tham gia nhiều hơn một hợp tác xã. Số lượng xã viên trung bình trong một hợp tác xã là 2.406 người. Từ câu chuyện của Quebec, chúng ta nhìn lại những con số tương ứng ở Việt Nam.
Năm 2007 dân số nước ta là 85,2 triệu người, có khoảng 7,5 triệu xã viên (chiếm 9% tổng dân số) tham gia vào khoảng 14.500 hợp tác xã. Trung bình một hợp tác xã có 517 xã viên. Độc giả so sánh và sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao hợp tác xã ở Quebec phát triển mạnh như vậy?”. Bà Lise Jacob, Giám đốc Vụ Hợp tác xã, Bộ Phát triển kinh tế, cải tiến và xuất khẩu lý giải rằng Nhà nước Canada nói chung và tỉnh Quebec nói riêng luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hợp tác xã phát triển bằng cách xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp và chính sách phát triển hợp tác xã hiệu quả(2).
Bản chất và vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế hộ
Ngay từ khi tạo dựng hình hài hợp tác xã đầu tiên, những nhà sáng lập Liên minh những người tiên phong công bằng Rochdale (Anh Quốc, 1844) đã chọn lọc những ưu việt trong nguyên tắc hoạt động của hiệp hội tự nguyện và doanh nghiệp, biến thể chúng để tạo ra tổ chức “hợp tác xã” có những đặc trưng riêng biệt. Hợp tác xã là một tổ chức rất đặc thù, mang tính “nhị nguyên” thể hiện ở vai trò kép với hai cơ cấu cùng tồn tại song hành: (i) khía cạnh hiệp hội được hình thành trên cơ sở các cá nhân tự nguyện, liên kết với nhau trên tinh thần tương trợ, dân chủ, minh bạch, bình đẳng, bác ái, trách nhiệm cộng đồng; và (ii) khía cạnh doanh nghiệp được thể hiện ở việc huy động vốn góp của xã viên để tổ chức hoạt động kinh doanh có hiệu quả (giá trị thặng dư) vì mục tiêu gia tăng thêm tài sản của xã viên và tích luỹ nội bộ trong hợp tác xã.
Trong Bản tuyên ngôn về các đặc trưng của hợp tác xã (statement of co-operative identity), Liên Minh Hợp tác xã Quốc tế định nghĩa hợp tác xã như sau: “Hợp tác xã là một hiệp hội (association) tự chủ do các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua việc hình thành doanh nghiệp (enterprise) do tập thể xã viên đồng sở hữu và quản lý dân chủ.” (Liên minh Hợp tác xã Quốc tế, 1995).
Trong hợp tác xã, tập hợp xã viên có tính chất rất đặc biệt. Xã viên thành lập “doanh nghiệp” hợp tác xã để mưu tìm cách thức thỏa mãn nhu cầu chung. Mục đích tối thượng của hợp tác xã không phải là tối đa hoá lợi nhuận, mà để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và lợi ích của xã viên. Điều này có nghĩa là xã viên vừa là người đồng sở hữu, quản lý hợp tác xã theo nguyên tắc dân chủ, vừa là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. “Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chỉ có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hóa, cầm máy, vân vân..., thì cho phép mướn người ngoài” (Hồ Chí Minh, Đường Kách Mệnh, 1927). Đặc tính này làm nổi bật sự khác biệt cơ bản giữa bản chất hợp tác xã so với công ty cổ phần. Ở công ty cổ phần, các cổ đông liên kết vốn với mục đích tối đa hóa lợi nhuận và họ không nhất thiết phải giao dịch mua, bán với công ty mà mình mua cổ phần.
Ở nước ta, hợp tác xã đầu tiên được thành lập cách đây hơn 50 năm và Luật Hợp tác xã đầu tiên có hiệu lực từ năm 1997. Xét cả khía cạnh lý luận lẫn khía cạnh thực tiễn, kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng gay gắt buộc những người lao động riêng lẻ, hộ cá thể, càng phải hợp tác với nhau để tồn tại và phát triển. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu hợp tác càng cấp thiết hơn, hình thức hợp tác càng đa dạng hơn, nội dung hợp tác trở nên phong phú hơn.
Đến 30/06/2010, cả nước có 18.244 hợp tác xã, 53 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 360.000 tổ hợp tác. Không kể phần kinh tế của xã viên, chỉ tính riêng các hợp tác xã ở nước ta năm 2009 đã đóng góp 5,45% vào GDP của cả nướ(3). Sự phát triển của phong trào hợp tác xã hội tụ nhiều lợi ích, đáp ứng được các nhu cầu kinh tế, xã hội và văn hóa của xã viên. Xã viên tham gia vào hợp tác xã để tiết kiệm chi phí, để gia tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làm ra hoặc để có việc làm ổn định. Hợp tác xã là một phương tiện thiết thực nhằm huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, đồng thời đóng góp lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.
Vì sao phải sửa đổi Luật hợp tác xã hiện hành?
Rất nhiều người biết hợp tác xã, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về nó. Mọi sự ngộ nhận đều dẫn đến hậu quả là làm lu mờ bản chất tốt đẹp của hợp tác xã và kìm hãm sự phát triển của hợp tác xã.
Theo báo cáo tổng kết thi hành luật Hợp tác xã năm 2003, kèm theo tờ trình số 107 /TTr-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, năm 2007 trong lĩnh vực công nghiệp có 4.744 hợp tác xã với gần 1 triệu xã viên, nhưng cung cấp tới hơn 90% doanh thu cho thị trường bên ngoài xã viên và tạo việc làm cho chỉ 6% xã viên (4). Trong đó, rất nhiều hợp tác xã mang bản chất của công ty, chứ không phải là hợp tác xã đích thực.
Câu chuyện có thực sau đây là một bằng chứng thực tế về cách hiểu, cách diễn giải lệch lạc của một số người về khái niệm “hợp tác xã”. Có 9 người cùng ý tưởng góp vốn để mua đất, sắm thiết bị, vật liệu… và thành lập hợp tác xã sản xuất thức ăn chăn nuôi. Toạ lạc trong khuôn viên gần 19 ha đất, với tổng tài sản trên 22 tỷ đồng, hợp tác xã sản xuất trên 500 loại sản phẩm và sản lượng tiêu đến 100.000 tấn/năm thức ăn chăn nuôi. Hợp tác xã có mạng lưới tiêu thụ gồm 150 đại lý cấp I ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là mô hình kinh doanh vô cùng thành công và đáng được vinh danh. Nhưng xét về bản chất, đây là công ty hợp danh, chứ không phải là hợp tác xã đích thực.
Mục đích của những người góp vốn thành lập hợp tác xã này không phải là để sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, mà duy nhất để tìm kiếm lợi nhuận. Đội ngũ cán bộ, công nhân làm việc cho hợp tác xã không phải là xã viên. Lượng khách hàng chính mà hợp tác xã này giao dịch (người cung ứng nguyên liệu sản xuất và người mua thức ăn chăn nuôi) cũng không phải là xã viên.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những quy định tại Luật Hợp tác xã hiện hành (năm 2003), thì trường hợp này thoả mãn đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của một hợp tác xã. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là nhận thức đúng bản chất và đặc trưng của hợp tác xã, phân định rõ ràng sự khác biệt giữa hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp khác, định hình chuẩn về khuôn khổ pháp luật để làm điểm tựa cho hợp tác xã phát triển bền vững và công tác quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã có hiệu quả.
Những nội dung trong Luật Hợp tác xã cần sửa đổi, bổ sung
Hai khái niệm quan trọng cần được diễn giải trước khi phân tích những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hợp tác xã. Thứ nhất, giao dịch giữa hợp tác xã với xã viên là quan hệ mua, bán hàng hóa vật phẩm và dịch vụ giữa hợp tác xã và xã viên. Thứ hai, tỷ lệ giá trị giao dịch giữa hợp tác xã và xã viên là phần giá trị giao dịch giữa hợp tác xã và xã viên trong tổng số giá trị giao dịch (với xã viên và với cộng đồng bên ngoài xã viên) mà hợp tác xã thực hiện trong một năm.
1. Phân loại hợp tác xã
Hiện nay ở nước ta, các hợp tác xã được phân loại theo lĩnh vực hoạt động như: hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã công nghiệp, hợp tác xã thương mại – dịch vụ, hợp tác xã giao thông vận tải… Cách phân loại này gây ra không ít khó khăn trong quản lý Nhà nước và lúng túng trong việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch giữa hợp tác xã với xã viên.
Luật Hợp tác xã sửa đổi cần bổ sung các loại hình của hợp tác xã. Việc phân loại hợp tác xã nên dựa trên tính chất quan hệ giao dịch giữa hợp tác xã với xã viên. Theo đó có 4 loại hình hợp tác xã như sau:
- Hợp tác xã của người sản xuất (producer cooperatives). Đây là hợp tác xã do những người sản xuất (nông dân nuôi bò sữa, trồng thanh long, sản xuất lúa, những người làm hàng thủ công, mỹ nghệ… ) thành lập nên để tiêu thụ, gia tăng thêm giá trị sản phẩm của mình bằng chế biến, xây dựng hương hiệu ….. Hợp tác xã này do những người sản xuất sở hữu nên hợp tác xã tìm cách tối đa hoá giá bán trong điều kiện thị trường cho phép và tối thiểu hoá chi phí hoạt động để mua hàng từ xã viên với giá càng cao càng tốt. Như vậy, xã viên là người bán hàng hay người cung ứng (thành phẩm hoặc nguyên liệu) cho hợp tác xã. Việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch của hợp tác xã với xã viên trong trường hợp này là số lượng hàng hoá (sữa bò, thanh long, lúa, hàng mỹ nghệ…) hay giá vốn hàng bán mà hợp tác xã giao dịch với xã viên so với tổng lượng hàng hoá hay giá vốn hàng bán mà hợp tác xã thực hiện trong vòng một năm.
- Hợp tác xã của người tiêu dùng (consumer cooperatives). Trái ngược với trường hợp trên, hợp tác xã của người tiêu dùng tìm cách tối thiểu hoá giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động để có thể bán hàng hóa vật phẩm hay dịch vụ cho xã viên của mình với giá càng thấp càng tốt. Trong trường hợp này, xã viên là người mua hàng (nguyên vật liệu, vật tư hay hàng tiêu dùng) từ hợp tác xã. Tỷ lệ giá trị giao dịch của hợp tác xã với xã viên được xác định trên phần doanh số mà hợp tác xã bán cho xã viên trong tổng số doanh số mà hợp tác xã thực hiện trong một năm.
Những lo lắng như trong hợp tác xã sản xuất rau an toàn, “xã viên cùng sản xuất một loại rau mà lại đem cung cấp cho chính mình sẽ không thể tiêu thụ hết…”(5) xuất phát từ việc lúng túng trong cách phân loại hợp tác xã. Đó là hợp tác xã của người sản xuất, chứ không phải của người tiêu dùng. Tỷ lệ giá trị giao dịch với xã viên được tính bằng số lượng rau mà xã viên bán cho hợp tác xã trong tổng lượng rau mà hợp tác xã tiêu thụ trên thị trường.
- Hợp tác xã của người lao động (worker cooperatives) do tập thể người có nhu cầu tìm kiếm việc làm thành lập nên. Thông qua phương thức quản lý, hợp tác xã tìm cách trả lương cho xã viên của mình (những người lao động và cũng là người sở hữu hợp tác xã) càng cao càng tốt và cung cấp điều kiện lao động tốt nhất. Ví dụ hợp tác xã làm răng giả(6), hợp tác xã dịch vụ bệnh viện, hợp tác xã xây dựng … không thể là hợp tác xã tiêu dùng vì khách hàng chỉ “mua” dịch vụ của hợp tác xã một vài lần trong suốt cuộc đời của mình. Sẽ hợp lý hơn nếu xem đây là hợp tác xã của người lao động. Điều này có nghĩa là xã viên chính là người lao động trong hợp tác xã. Như vậy, việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch của hợp tác xã với xã viên được tính toán trên tỷ lệ xã viên trong tổng số người lao động trong hợp tác xã.
- Hợp tác xã hỗn hợp là hợp tác xã có nhiều hơn một loại hình. Trong một số hợp tác xã, xã viên có thể có 2 hoặc 3 loại quan hệ với hợp tác xã. Ví dụ, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể cung ứng vật tư cho xã viên và tiêu thụ nông sản do xã viên sản xuất. Trong trường hợp này, xã viên vừa là người cung ứng, vừa là người tiêu thụ, có thể vừa là người lao động trong hợp tác xã.
Lúc này việc phân định tỷ lệ giá giao dịch giữa hợp tác xã với xã viên khá phức tạp. Hợp tác xã cần phân loại các dịch vụ và xác định tỷ lệ giá trị giao dịch với xã viên trong từng loại dịch vụ khác nhau.
2. Phân loại xã viên
Luật Hợp tác xã sửa đổi cần bổ sung thêm cách phân loại xã viên. Điều này đặc biệt hữu ích khi xác định đối tượng được hưởng ưu đãi (điều 7) hoặc khi xác định tỷ lệ giá trị giao dịch giữa hợp tác xã với xã viên (Điều 9).
Tham khảo Luật Hợp tác xã Quebec (Canada), xã viên được chia thành hai loại: Xã viên chính thức và xã viên liên kết (auxiliary member). Xã viên chính thức là những người trực tiếp sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Thí dụ, công ty nuôi bò sữa (được xếp loại là doanh nghiệp quy mô vừa) bán sản phẩm do mình trực tiếp sản xuất ra cho hợp tác xã thì hẳn nhiên họ là xã viên chính thức của hợp tác xã. Xã viên liên kết là người trung gian giữa hợp tác xã và người trực tiếp sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Ví dụ, một công ty thu mua sữa (thuộc quy mô nhỏ) mua sữa bò từ những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ và sau đó bán lại cho hợp tác xã thì công ty này chỉ là xã viên liên kết (chứ không phải là xã viên chính thức) của hợp tác xã. Xã viên liên kết được sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, được phân phối thặng dư theo mức độ sử dụng dịch vụ, nhưng không được quyền biểu quyết, không có quyền tham gia vào hội đồng quản trị hay ban kiểm soát …
Điều 7 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định: ”Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh từ việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên đối với hợp tác xã chỉ có thành viên là cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân không phải là doanh nghiệp vừa và lớn”. Việc ưu đãi cho xã viên không thể dựa vào quy mô doanh nghiệp, mà nên dựa vào tính chất thành viên. Từ phân tích trên, điều 7 khoản 1 của dự thảo luật Luật Hợp tác nên quy định: “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh từ việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ của hợp tác xã cho xã viên chính thức”.
3. Xác định tỷ lệ dịch vụ tối thiểu mà hợp tác xã cung cấp cho xã viên
Điều 9, khoản a trong dự (thảo lần 7) Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định: “hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ và việc làm cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên trên cơ sở bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu, lợi ích chung của các thành viên theo quy định trong điều lệ và hướng dẫn của Chính phủ”.
Như đã phân tích ở trên, rong hợp tác xã, tập hợp xã viên có tính chất rất đặc biệt. Xã viên vừa là người đồng sở hữu, quản lý hợp tác xã theo nguyên tắc dân chủ, vừa là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã được hình thành để đáp ứng nhu cầu của xã viên đi đôi với việc xã viên có quyền và có nghĩa vụ quan hệ giao dịch (mua, bán hay sử dụng dịch vụ) với của hợp tác xã khi có nhu cầu. Đây là bản chất kinh tế rất quan trọng làm cho hợp tác xã phát triển bền vững. Chính vì vậy, Luật Hợp tác xã cần quy định tỷ lệ giá trị giao dịch tối thiểu mà hợp tác xã buộc phải giao dịch với xã viên chính thức của mình (không tính xã viên liên kết), không dưới 50% tổng giá trị giao dịch hàng năm của hợp tác xã.
Khi Luật hợp tác xã quy định rõ ràng về tỷ lệ dịch vụ tối thiểu mà hợp tác xã giao dịch với xã viên thì các hợp tác xã với hơn 90% doanh thu từ giao dịch với thị trường ngoài xã viên như đã được miêu tả trong báo cáo tổng kết thi hành luật Hợp tác xã năm 2003 (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) sẽ chuyển đổi thành hợp tác xã đích thực bằng cách kết nạp ngày càng nhiều hơn người lao động trong hợp tác xã để họ trở thành xã viên và đồng chủ sở hữu hợp tác xã. Hoặc là các hợp tác xã này chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty và chịu chi phối bởi Luật Doanh nghiệp.
4. Phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ
Về mặt từ ngữ, một số quốc gia dùng khái niệm “surplus” (thặng dư) để chỉ phần tiền chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong hợp tác xã và khái niệm tương ứng trong doanh nghiệp là “profit” (lợi nhuận, lãi). Ở Việt Nam trong các văn bản pháp luật cũng như trong cuộc sống thực tiễn, hai khái niệm “lợi nhuận” và “lãi” được sử dụng cho cả hợp tác xã lẫn doanh nghiệp. Trong hợp tác xã, khái niệm “thặng dư” phản ánh đúng bản chất hơn, bởi vì đó là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí có nguồn gốc từ giao dịch giữa hợp tác xã với các chủ sở hữu của nó (xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã). Trong dự thảo lần 7 của Luật Hợp tác xã, khái niệm “thu nhập” được sử dụng để chi khoản chênh lệch này.
Hiện tại, đại đa số hợp tác xã phân phối lại thu nhập theo vốn góp. Điều này làm xói mòn tinh thần hợp tác, đề cao tư tưởng lợi nhuận, dễ biến hợp tác xã thành mô hình công ty cổ phần. Lúc này, hợp tác xã không còn có lợi thế riêng trong việc khuyến khích tinh thần hợp tác trong cộng đồng. Một ví dụ khác từ thực tế. Tại một hợp tác xã nông nghiệp, “lãi chia cho xã viên” vào cuối năm 2009 lên đến 56% so với vốn góp. Một nguy cơ của việc phân phối lãi cho xã viên theo vốn góp là các hợp tác xã có xu hướng “đóng cửa” không muốn kết nạp xã viên mới. Thứ hai, xã viên tham gia vào hợp tác xã không phải muốn sử dụng dịch vụ của hợp tác xã mà vì “cổ tức” kỳ vọng. Một khó khăn khác là hợp tác xã này trong tình trạng thiếu vốn để đầu tư tái sản xuất, nhưng ban quản trị không dám thực hiện phương án tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển sản xuất để gia tăng tích luỹ nội bộ. Hợp tác xã không thể vượt qua khó khăn vì tâm lý “xã viên sẽ phản đối nếu phần lãi nhận được năm sau thấp hơn năm trước (!)”.
Phân phối thu nhập cho xã viên cần được thực hiện theo mức độ sử dụng dịch vụ. Xã viên nào càng giao dịch nhiều với hợp tác xã thì phần phân phối lại càng cao. Điều này góp phần gia tăng “mức độ trung thành” của xã viên với các dịch vụ của hợp tác xã. Quan trọng hơn, đây là bản chất nhân văn và mang đậm bản sắc riêng biệt của hợp tác xã.
Một băn khoăn chung của nhiều hợp tác xã trong thực tế là nếu áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ thì hợp tác xã khó huy động vốn. Lời giải cho bài toán huy động vốn được nhiều nơi tìm kiếm trong việc tạo lập tài khoản tiết kiệm cho xã viên (member’s saving account) và phát hành cổ phiếu ưu đãi, chứ không phải bằng con đường chia lãi theo vốn góp như công ty cổ phần. Luật nên cho phép hợp tác xã phát hành cổ phiếu ưu đãi (preferred shares) với mức lãi suất huy động và thời hạn hoàn trả được ấn định khi phát hành. Luật cũng nên khuyến khích các hợp tác xã tạo tài khoản tiết kiệm của xã viên để huy động vốn cho hoạt động của hợp tác xã.
Kết luận
Từ những kinh nghiệm thành công trong và ngoài nước, chúng ta có thể tin tưởng một cách chắc chắn rằng với vai trò kép vừa là tổ chức hiệp hội vừa là doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động tốt như bất kỳ doanh nghiệp nào. Thậm chí hợp tác xã có thể hoạt động tốt hơn công ty, nếu chúng ta am hiểu tường tận bản chất của hợp tác xã, biết cách sử dụng và khai thác công cụ tập thể độc đáo này. Hợp tác xã là phương tiện hữu hiệu giúp kinh tế gia đình của mỗi xã viên nâng cao sức cạnh tranh và phát triển.
Trên tinh thần hợp tác thật sự và hướng đến mục tiêu phát triển hợp tác xã bền vững, tôi hy vọng rằng bài viết này không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi sắp tới.
1.Canadian Co-operative Association, Co-ops in Quebec, https://www.coopscanada.coop/en/about_co-operative/Co-op-Facts-and-Figures
3. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III (2005 – 2010)
4. Báo cáo tổng kết thi hành luật Hợp tác xã năm 2003, kèm theo tờ trình số 107 /TTr-CP, ngày 07 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ
6. Dự thảo Luật HTX sửa đổi: Không kích thích xã viên tham gia, https://vnbusiness.vn/articles/d%E1%BB%B1-th%E1%BA%A3o-lu%E1%BA%ADt-htx-s%E1%BB%AD-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%B4ng-k%C3%ADch-th%C3%ADch-x%C3%A3-vi%C3%AAn-tham-gia