Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết đã nộp 76,9 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2011 cho Bộ Tài chính nước này. Khoản này này chỉ thua chút đỉnh so với mức lãi kỷ lục mà FED đạt được trong năm 2010.
|
Khoản này này chỉ thua chút đỉnh so với mức lãi kỷ lục mà FED đạt được trong năm 2010
|
Theo báo New York Times, những nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế Mỹ đang mang đến cho FED những khoản lãi khổng lồ. Theo quy định của pháp luật Mỹ, FED phải chuyển các khoản lãi hàng năm cho Bộ Tài chính.
Khoảng 97% trong số lãi mà FED thu được năm 2011 là tiền lãi từ danh mục đầu tư, bao gồm 2,5 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán đảm bảo bằng nợ địa ốc. FED đã mua vào số trái phiếu này nhằm kéo lãi suất dài hạn thấp xuống, theo đó hạ lãi suất vay vốn mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải trả.
Thông qua hoạt động mua nợ này, FED đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường nợ chính phủ Mỹ và các loại trái phiếu do Fannie Mae và Freddie Mac - hai công ty tài chính bất động sản thuộc quyền kiểm soát của Washington - phát hành. Như vậy, có thể thấy là phần lớn tiền chảy vào két sắt của FED rốt cục xuất phát từ túi của người dân đóng thuế ở Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức của FED đã chỉ ra rằng, quy trình này - với tiền chảy từ Bộ Tài chính sang FED, rồi lại quay về với Bộ Tài chính - vẫn giúp tiết kiệm tiền cho người dân Mỹ đóng thuế, vì nếu không, số lãi sẽ phải trả cho các nhà đầu tư khác.
“Đó là khoản lãi mà Bộ Tài chính không phải trả cho người Trung Quốc”, Chủ tịch FED Ben Bernanke nói nửa đùa nửa thật trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái.
Số tiền lãi mà FED thu được hàng năm đang tăng lên nhanh chóng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Trong thời kỳ 5 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, số tiền mà FED đóng góp hàng năm cho Bộ Tài chính bình quân 23 tỷ USD. Kể từ năm 2007 tới nay, con số này tăng hơn gấp đôi lên 54 tỷ USD.
Năm 2010, FED chuyển 79,3 tỷ USD cho Bộ Tài chính. Trong năm 2011, giá trị danh mục đầu tư của FED tăng lên gần 3 nghìn tỷ USD, nhưng lợi nhuận lại giảm xuống do FED giảm nắm giữ một số tài sản có mức lợi nhuận cao, chẳng hạn cổ phiếu của hãng bảo hiểm AIG, đồng thời tăng nắm giữ trái phiếu kho bạc - loại tài sản có mức sinh lợi thấp hơn.
Cho dù sở hữu một danh mục đầu tư khá bảo thủ, FED vẫn đạt mức lợi nhuận cao nhờ mô hình kinh doanh độc đáo của mình. Thay vì phải trả tiền lãi để được vay vốn, FED tự tạo ra tiền mà không cần chi phí. Bởi thế, gần như toàn bộ lợi nhuận thu về được xem là lợi nhuận ròng. Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực lạm phát tăng, FED có thể sẽ phải bán tài sản và tăng lãi suất ngắn hạn, và cách làm này sẽ làm suy giảm giá trị tài sản mà FED nắm giữ khi được bán ra./.