Trong thông điệp đầu Năm Mới, các nhà lãnh đạo châu Âu đều cảnh báo năm 2012 sẽ là năm đầy khó khăn khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán khu vực này sẽ đi vào suy thoái trong sáu tháng đầu năm.
Theo các nhà phân tích, trước bối cảnh tăng trưởng đình trệ, gần như cả châu Âu, trong đó bao gồm cả các nước trong và ngoài Khu vực đồng euro, phải đối mặt với sức ép cắt giảm chi tiêu hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ. Do đó, đang có những quan ngại về khả năng thắt chặt tín dụng lần thứ hai do tình trạng các ngân hàng ở châu Âu lún sâu trong khoản nợ khổng lồ của Italy.
Phát biểu trên truyền hình Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng mặc dù hoạt động kinh tế của Đức tương đối tốt, song năm 2012 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn hơn so với năm 2011.
Theo bà Merkel, châu Âu đang trải qua thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên và con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, song cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là "cơ hội" để châu Âu phát triển gắn kết hơn và sẽ xuất hiện một châu Âu mạnh hơn so với thời kỳ trước khi bước vào khủng hoảng.
Bà Merkel cũng bảo vệ đồng euro, khi cho rằng đồng tiền chung này đã giúp cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng hơn và nền kinh tế châu Âu mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thời điểm thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế là cần thiết để quay trở lại con đường tăng trưởng. Ông cho rằng cuộc sống của người dân Pháp đã trải qua thử thách trong hai năm khó khăn, và năm 2012, người dân một lần nữa lại đứng trước thách thức mới khi tình hình kinh tế được dự báo vẫn tiếp tục ảm đạm.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho biết sau khi đã thúc đẩy cắt giảm ngân sách để ngăn chặn việc Pháp bị hạ điểm tín nhiệm quốc gia AAA, Tổng thống Sarkozy cam kết chính phủ ông sẽ không cắt giảm ngân sách thêm nữa.
Dự kiến Tổng thống Sarkozy sẽ gặp Thủ tướng Merkel vào đầu tháng Giêng để thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận liên minh tài chính mà các bên vừa đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ngày 9/12 vừa qua.
Tổng thống Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng euro, yêu cầu người dân chấp nhận hy sinh để ngăn chặn sự sụp đổ tài chính của nước này. Trong khi đó, người dân Italy đang thực sự lo ngại về triển vọng kinh tế của nước này trong năm 2012.
Kết quả cuộc khảo sát mới của Hiệp hội kinh doanh Conferescenti-Swg cho thấy có tới 48% số người được hỏi ý kiến bày tỏ thái độ bi quan về tình hình kinh tế của Italy năm 2012, cao hơn nhiều so với mức 33% của năm 2010, trong khi 38% cho rằng những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công đối với các gia đình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.
Chỉ có 17% số người được hỏi ý kiến nói rằng tình hình kinh tế sẽ đạt được một mức cải thiện nhất định nào đó trong tương lai gần, giảm đáng kể so với mức 24% vốn từng có đánh giá tích cực về nền kinh tế của Italy trong năm 2011.
Theo đánh giá của Conferescenti-Swg, đại diện cho hơn 270.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ và một số lĩnh vực khác ở Italy, người dân nước này hiện đang đòi hỏi chính phủ phải có thêm các biện pháp “dũng cảm hơn nữa” nhằm cắt giảm chi tiêu công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..
Với khoản nợ công hiện đang ở mức 1.900 tỷ euro, chiếm khoảng 120% GDP, cùng với chi phí vay mượn và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, Italy hiện là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Dư luận nhìn chung đang có những đánh giá khá bi quan về nền kinh tế của Italy, cho rằng nước này có thể tiếp bước Hy Lạp trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công nếu không có sự cứu trợ của EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cũng cảnh báo một năm khó khăn phía trước đối với nước này. Phát biểu trên truyền hình, ông Papademos tuyên bố người dân Hy Lạp phải tiếp tục các nỗ lực với sự quyết tâm "để những hy sinh của cả nước không trở thành vô ích."
Theo ông Papademos, Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt các biện pháp khắc khổ để đảm bảo rằng Hy Lạp tiếp tục được nhận cứu trợ quốc tế. Các biện pháp khắc khổ này, vốn được chính phủ tiền nhiệm bắt đầu vào năm 2010, đã dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo loạn của đông đảo người dân Hy Lạp trong bối cảnh thất nghiệp cao, thuế tăng, lương giảm và các dịch vụ chính phủ bị cắt giảm bắt đầu tác động đến cuộc sống của họ./.