Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/07/2012-20:57:00 PM
Các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh
Thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 1/7.
Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim có 3 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Trong giai đoạn đầu, dự kiến có 29 nhà máy điện thuộc 22 công ty phát điện với tổng công suất đặt 9.035 MW trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường.
Bộ Công Thương cho biết việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành điện Việt Nam, đánh dấu những bước chuyển đổi ban đầu từ cơ chế hiện tại sang cơ chế vận hành theo thị trường.
Thành công của thị trường sẽ là điều kiện cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển lên Thị trường bán buôn cạnh tranh và Thị trường bán lẻ cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét đưa các nhà máy điện mới và các nhà máy điện chuyển đổi hoạt động từ hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sang thuộc sở hữu các tổng công ty phát điện tham gia thị trường điện để nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường điện.
Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Ialy… không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội (chống lũ, tưới tiêu…).
Các nhà máy điện khác, bao gồm các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, các nhà máy thủy điện có hồ chứa thủy điện có khả năng điều tiết nước dưới 1 tuần, các nguồn điện năng nhập khẩu… sẽ do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán vận hành theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện và đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện.
Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh.
Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004 và được cụ thể hóa trong Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.
Theo đó, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo ba cấp độ gồm thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).
Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu tiên trong Lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, đồng thời hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong vận hành và định giá của khâu phát điện. Bên cạnh đó, tạo tín hiệu thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Việc chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang thị trường phát điện cạnh tranh cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng với mức giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.
Các cơ chế vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và xét đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và ngành điện Việt Nam.
Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP) để đảm bảo các mục tiêu ổn định cung cấp điện, ổn định giá điện, tăng tính công khai minh bạch trong vận hành các khâu của ngành điện, tạo cơ chế để thu hút đầu tư vào nguồn điện...
Trong thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường, việc điều độ các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống.
Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ được thực hiện theo hai cơ chế là 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với Công ty Mua bán điện, 5% sản lượng còn lại sẽ thanh toán theo giá thị trường từng giờ.
Tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo hợp đồng sẽ được xem xét, điều chỉnh hàng năm trên cơ sở đánh giá hiệu quả vận hành của thị trường và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phát điện.
Theo Bộ Công Thương, trong thị trường phát điện cạnh tranh, giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, đưa ra tín hiệu phản ánh đúng cân bằng “cung-cầu” của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa.
Mức giá thị trường điện giao ngay sẽ giúp giá của khâu phát điện được xác định minh bạch, khách quan. Biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Sau một năm thực hiện thí điểm, toàn bộ các công tác chuẩn bị cần thiết cho Thị trường phát điện cạnh tranh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho việc vận hành chính thức vào ngày 1/7.
Đây là bước đi cần thiết nhằm giảm xuống mức thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh khi chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang vận hành theo thị trường./.
Mai Phương
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 2032
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)