Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/03/2012-07:48:00 AM
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2012
(MPI Portal) - Chiều 06/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ để thông báo một số nội dung quan trọng của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2012.
Cùng tham dự Họp báo có Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các Bộ ngành khác và các cơ quan truyền thông.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh Đức trung (MPI Portal)
Phát biểu tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2012 tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2011 tăng 3,87). Như vậy, mặc dù là tháng sau Tết Nguyên đán, song mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2012 là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua (ngoại trừ năm 2001 tăng 0,4% và năm 2009 tăng 1,17%, CPI tháng 2 so với cùng kỳ năm trước các năm 1986 – 2011 đều cao hơn 1,37%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2012 ước đạt 8,2 tỷ USD; lũy kế hai tháng đầu năm 2012 đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Nhập siêu tháng 2/2012 là 800 triệu USD; lũy kế hai tháng đầu năm nhập siêu là 628 triệu USD, bằng 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người tàn tật được quan tâm. Trong tháng, ước tạo việc làm cho khoảng trên 137 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt 7,2 nghìn người.
Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giảm nhiều so với cùng kỳ (giảm 17% số vụ, giảm 11% số người bị chết, giảm 18% số người bị thương).
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định.Công tác đối ngoại tiếp tục đạt nhiều thành tựu.Công tác xây dựng thể chế được đẩy mạnh.Cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm.Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện tích cực và đạt những kết quả bước đầu.
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh Đức trung (MPI Portal)
Tuy nhiên, còn nổi lên những khó khăn, tồn tại: Lạm phát đã được kiềm chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao; lãi suất cũng còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.Sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua do hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trước mắt là bảo đảm kế hoạch của quý I năm 2012.
Quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP; kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung vào tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.
Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết hài hòa các mục tiêu: kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, chương trình xây dựng nhà xã hội.
Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Bảo đảm tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân; phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp quyết liệt để kiểm soát, phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch lan rộng.
Có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp trong nước phát triển và hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký mới và tăng thêm vốn; đẩy nhanh giải ngân vốn FDI và ODA để tranh thủ nguồn lực, tạo việc làm phục vụ phát triển kinh tế; bảo đảm vốn đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất.
Đề xuất giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo.
Tại phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành đã thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày và Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình.
Chính phủ cũng đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình; Đề án một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.
Các Đề án này nhằm tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội để trở thành trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, hoàn thiện chế độ trợ cấp ưu đãi người có công. Đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; bảo đảm hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù; bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần giảm nghèo bền vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên liên quan đến vấn đề giảm lãi suất và tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, Thống Đốc ngân hàng nhà nước cho biết, các mức lãi suất cơ bản sẽ được giảm đồng loạt 1 % và sẽ có quyết định chính thức trong một vài ngày tới. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, quyết định giảm lãi suất được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt lên và xu hướng giảm lạm phát đã rõ rệt. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng liên tục trong những tháng qua đã có dấu hiệu giảm và hiện đang giao động trong mức từ 7-14%/năm, tùy các kỳ hạn.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc tăng giá điện, xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành chức năng cần quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỷ giá. Cùng với đó, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình thực tế, dứt khoát điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, thực hiện điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu này vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Kết luận phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực, điều này cho thấy Chính phủ đã có bước đi đúng hướng trong việc điều hành kinh tế vĩ mô. Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá khách quan, đúng thực trạng tình hình, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục đưa đất nước tận dụng tối đa các các lợi thế, cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1077
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)