Theo cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại đầu tàu kinh tế phía Nam tháng 2/2012 đã tăng 1,32% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng gần đây, cũng là lần đầu tiên vượt qua mốc 1% sau 7 tháng được khống chế dưới mức này.
|
Diễn biến CPI tại Tp.HCM một năm qua.
|
Sự gia tốc của chỉ số giá tiêu dùng tại Tp.HCM trong khoảng 4 tháng liên tiếp vừa qua cũng là xu thế chung của CPI cả nước, nhưng mức tăng của nhiều tháng đều thấp hơn chút ít. Xét trong xu hướng vừa qua, thêm dữ kiện CPI tại Hà Nội tháng này tăng 1,45%, khả năng CPI cả nước tháng này có thể chỉ tăng ở quanh mức khoảng 1,4%.
Trở lại với Tp.HCM, diễn biến đáng chú ý nhất tại thị trường này là giá thực phẩm đã “khuấy động” CPI tháng này.
Từ mức tăng khá thấp trong tháng trước (0,53%), CPI thực phẩm tháng này tăng tới 2,45%. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo chỉ số giá tháng này tăng cao hơn tháng trước. CPI ăn uống ngoài gia đình cũng theo đó tăng 2,37%.
Nhưng ở chiều ngược lại, CPI lương thực lại đột ngột giảm nhẹ 0,25% so với tháng trước, níu giữ phần nào mặt bằng giá chung.
Ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại, CPI đồ uống và thuốc lá cũng là một đột biến khác khi tăng 1,29% trong tháng này; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục gia tốc mạnh, tăng ở mức 2,96%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép còn tăng 0,9% so với tháng trước…
Qua tháng Tết với diễn biến CPI không nằm ngoài quy luật nhiều năm trước, câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là liệu xu thế tăng chỉ số giá tiêu dùng có tiếp tục trong tháng sau Tết, khi đã tạo được đà từ khoảng 4 tháng gần đây?
Nhìn vào diễn biến tiêu dùng hiện nay trên thị trường, đặc biệt là tổng mức bán lẻ có dấu hiệu giảm vào giai đoạn sau Tết, khả năng trên có thể khó hiện thực, nếu thực phẩm không tiếp tục là nhân tố tạo thay đổi lớn trong thời gian tới.