Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/06/2012-09:48:00 AM
EU tìm cách đưa Eurozone ra khỏi khủng hoảng nợ

Trước sức ép của toàn thế giới buộc Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán nợ công vốn kéo dài hơn 2 năm qua đã làm chao đảo các thị trường tài chính và khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo EU đang tìm kiếm một giải pháp dài hạn.
Bởi vậy, lãnh đạo bốn thể chế chủ chốt của EU mới đây đã cùng thảo luận về "kế hoạch tổng thể" nhằm kéo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ra khỏi cơn bão nợ, nhân tố đe dọa sẽ đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros mới đây đã nhận định rằng châu Âu chỉ còn khoảng 3 tháng để cứu vãn đồng euro, giữa lúc sự bất ổn kinh tế-chính trị tại Eurozone đang tạo ra những áp lực đè nặng lên thị trường tài chính toàn cầu.
Tháng trước, Chủ tịch thường trực EU Herman van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Mauen Barroso, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị "lộ trình cải cách" để trình Hội nghị thượng đỉnh EU xem xét tại cuộc họp vào cuối tháng 6 này.
Trong số các đề xuất được đưa ra, đáng chú ý là kế hoạch trao thêm quyền cho các thể chế của EU để giám sát ngân sách của các quốc gia thành viên; thiết lập cơ quan giám sát chung với các quyền hạn mới như điều chỉnh các chính sách về tài chính, thuế, đối ngoại và an ninh; kế hoạch cải cách các chương trình phúc lợi xã hội.
Theo dự kiến, một số thay đổi mới ban đầu sẽ chỉ được áp dụng đối với các nước thành viên của Liên minh tiền tệ Eurozone, chứ không phải là toàn bộ EU.
Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định Madrid sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cho tới khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và phục hồi nền kinh tế.
Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tài chính nghiêm ngặt trong trường hợp cần thiết đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc thiết lập một cơ quan tài chính chung của Eurozone để kiểm soát tài chính của khu vực này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từ lâu đã cho rằng thắt lưng buộc bụng là biện pháp quan trọng nhất để từng bước giải quyết bài toán nợ công tại Eurozone.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo một số nước thành viên bị khủng hoảng như Hy Lạp đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của người dân.
Thủ tướng Merkel đã hoan nghênh Ireland thông qua Hiệp ước Tài chính mới của EU và khẳng định đây là một bước đi quan trọng nhằm bình ổn EU./.
Minh Trang
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 752
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)