Các biện pháp kinh tế quá khắc khổ, chính sách kinh tế yếu kém cũng như tình trạng thiếu việc làm không chỉ cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mà còn phá hoại các nỗ lực quốc tế giảm đói nghèo và tăng trưởng “xanh” bền vững.
|
Người dân Tây Ban Nha biểu tình tại quảng trường Puerta del Sol ở Madrid, phản đối chính sách cải cách lao động. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Đó là lời cảnh báo của Hội nghị cấp cao diễn ra tại New York, Mỹ giữa Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã kết thúc ngày 14/3.
Liên hợp quốc nhấn mạnh Hội nghị cấp cao New York đã cung cấp các nguồn thông tin quý báu chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững tại Brazil (Rio+20) vào tháng Sáu tới.
Các cuộc thảo luận tại Hội nghị đã tập trung vào phương thức các thể chể tài chính quốc tế như WB, IMF, Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế khác phối hợp các chiến lược hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới phát triển kinh tế bền vững, cũng như các đường lối phối hợp các nỗ lực quốc tế để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước tiếp nhận đầu tư và thúc đẩy buôn bán hiệu quả khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi.
[LHQ hối thúc chính sách phục hồi kinh tế thế giới]
Trong khi ECOSOC cảnh báo triển vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng là khá ảm đạm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng báo động triển vọng việc làm toàn cầu thực sự đáng lo ngại với gần 200 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, trong đó 95 triệu người là thanh niên.
Các biện pháp kinh tế quá khắc khổ gây phương hại không chỉ nền kinh tế mà cả quá trình xây dựng lòng tin của công dân. Thời điểm hiện tại là thời điểm cần thúc đẩy hợp tác vì cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận các thế hệ tương lai bị phương hại.
Thất nghiệp cao và dai dẳng là thách thức lớn của các nền kinh tế và là điểm yếu nhất của quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Các chiến lược khắc khổ tài chính cần phải được thay thế bằng những gói kích thích kinh tế ngắn hạn được phối hợp quốc tế tập trung tạo việc làm, đầu tư cải tổ cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững. Các khuôn khổ và các phản ứng chính sách quốc tế cần tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thời kỳ quá độ của các thị trường lao động và các dịch vụ công, thúc đẩy hành động tập thể vì mục tiêu phục hồi kinh tế toàn cầu.
WTO nhấn mạnh nhu cầu tập trung vào các khía cạnh kinh tế của phát triển trong chương trình nghị sự phát triển và xóa đói nghèo sau năm 2015, thời hạn cuối cùng thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hệ thống buôn bán đa phương chỉ là một trong các công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác chung giữa các tổ chức quốc tế cùng hỗ trợ các nước đạt các mục tiêu phát triển.
Đại diện WB và IMF khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường khu vực tài chính trong bối cảnh toàn cầu hóa tài chính cũng như tăng cường các thị trường trong nước.
Đại diện các cơ quan liên chính phủ, các chính phủ, giới kinh doanh các tổ chức quốc tế phi chính phủ và xã hội dân sự cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xây dựng và phát triển các chính sách kinh tế mạnh có thể thu hút đầu tư và khu vực tư nhân tham gia tạo việc làm để từ đó tạo thêm nhiều người tiêu dùng, tăng thu nhập quốc gia và các dịch vụ công tốt hơn.
Các đại biểu này kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế như WB, IMF và Liên hợp quốc tăng cường hỗ trợ để các nước phát huy cao nhất hiệu quả của trợ giúp quốc tế nhằm đạt được tăng trưởng xanh và phát triển./.