Nghị viện châu Âu ngày 14/3 đã thông qua thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ và Canada về thịt bò có chứa hoócmôn tăng trưởng, chấm dứt một trong những cuộc tranh chấp thương mại "lâu đời" nhất giữa các cường quốc thương mại này.
Trước đó, phát biểu trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu, Ủy viên nông nghiệp EU, ông Dacian Ciolos bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ mang lại giải pháp dứt khoát cho cuộc tranh chấp thương mại thịt bò chứa hoócmôn tại Tổ chức thương mại thế giới.
Ông Dacian Ciolos cũng lưu ý việc Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tuần trước công bố dự thảo về dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của EU được áp đặt từ năm 1997 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng bò điên, đồng thời bày tỏ hy vọng dự thảo này sẽ được hoàn tất "kịp thời."
Tranh chấp thương mại giữa EU với Mỹ và Canada bắt đầu từ năm 1988, khi EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò có chứa hoócmôn tăng trưởng, động thái khiến Mỹ và Canada đáp trả bằng lệnh trừng phạt đối với hàng hóa châu Âu trị giá tới 125 triệu USD/năm.
Năm 2009, EU và Washington đã nhất trí rằng 27 nước thành viên EU vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò có chứa hoócmôn tăng trưởng, nhưng Mỹ sẽ dần dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đổi lại EU sẽ tăng mạnh hạn ngạch nhập khẩu thịt bò không chứa hoócmôn tăng trưởng được miễn thuế.
Lượng thịt bò không chứa hoócmôn nhập khẩu vào EU (được miễn thuế) được ấn định ở mức 20.000 tấn năm 2009 và dự kiến sẽ tăng lên 48.200 tấn vào tháng 8/2012, trong đó 45.000 tấn là thịt bò nhập khẩu của Mỹ và 3.200 tấn thịt bò của Canada.
Đến tháng 5/2011, Mỹ đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với toàn bộ thực phẩm cao cấp của châu Âu. Trong tuyên bố ra cùng ngày, Nghị viện châu Âu cho biết những nước được lợi chủ yếu từ việc Mỹ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại nói trên là Italy, Ba Lan, Hy Lạp, Ireland, Đức, Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha./.