Nhờ việc thực hiện các chính sách mời gọi đầu tư hợp lý, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong danh sách lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2011 với tổng kim ngạch đầu tư là 1,84 tỷ USD.
Theo thống kê số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), số các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận tính riêng trong năm 2011 đã tăng cao lịch sử, đạt 208 dự án, tăng 82% so với năm 2010; trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất-chế tạo chiếm đa số với tỷ lệ 54%, tập trung ở một số dự án chế tạo linh kiện máy xây dựng, linh kiện sản xuất ôtô và linh kiện điện tử.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ tiếp tục đứng thứ hai với tỷ trọng 15%, trong đó đáng chú ý có vụ chuỗi cửa hàng bán lẻ Ministop hàng đầu của Nhật Bản bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước.
JETRO cho rằng mặc dù tổng kim ngạch đầu tư vào Việt Nam đã giảm khoảng 9,4% so với năm 2010 nhưng điều này ngược lại đã phát đi một tín hiệu đáng mừng đối với Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi giới doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ hiện còn yếu kém và cam kết xây dựng một vài khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Chính điều này cùng với việc đồng yen tăng giá đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam với qui mô bình quân đầu tư 8,8 triệu USD/dự án.
Hiện các công việc chuẩn bị để tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã được tiến hành. Vào tháng 4/2011, Tập đoàn Sumitomo đã bắt đầu thực hiện dự án xây dựng một số nhà máy dạng nhỏ với diện tích chỉ 500m2 để cho thuê với giá 3.500 USD/tháng tại các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đầu tư ban đầu.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng hai khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây, Chính phủ có dự định sẽ thiết lập cơ chế giải quyết thủ tục hành chính một cửa và xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống như nhà ở và bệnh viện.
JETRO cũng chỉ ra rằng Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn đối với giới doanh nghiệp trong khu vực. Trong năm 2011, số dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt 270 dự án, tăng 5% so với năm 2010.
Sau khi hãng điện tử khổng lồ Samsung tiến hành sản xuất điện thoại và điện thoại thông minh tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện liên quan cũng theo chân Samsung tiến vào thị trường này.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng tiếp tục đẩy mạnh xâm nhập thị trường Việt Nam với 105 dự án, tăng 19% so với năm 2010. Lý do chính là Việt Nam có giá nhân công tương đối rẻ và có vị trí gần với thị trường tiêu thụ khổng lồ là Trung Quốc./.