(MPI Portal) - Nhằm tìm kiếm những giải pháp từ các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho Đề án “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2020”, sáng ngày 15/3, tại Hà Nội, Báo Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam”.
|
Các diễn giả tại Hội thảo
|
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các cơ quan truyền thông.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định vai trò quan trọng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đồng thời chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Bộ trưởng mong muốn thông qua Hội thảo lần này sẽ là diễn đàn hữu ích để trao đổi thu thập ý kiến của các Bộ, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp nhằm hoàn thiện chính sách ĐTNN từ đó làm cơ sở cho việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng đầu tư trong thời gian tới.
Trong gần 25 năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN thời gian qua đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nhất là về chất lượng của nguồn vốn; trình độ công nghệ; vấn đề ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Baodautu.vn
|
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội thảo lần này là một trong những diễn đàn quan trọng với mong muốn kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với cơ quan Chính phủ trong nỗ lực chung nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề cho thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Ông Tuấn cho biết thêm, với quan điểm nhất quán, coi ĐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả ĐTNN.
Về tình hình ĐTNN trong tương lai, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian tới, hoạt động thu hút ĐTNN cần tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực. Đặc biệt, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,…
Khẳng định tầm quan trọng của ĐTNN ông Hoàng nhận định, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. ĐTNN đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và các cân đối vĩ mô. Trong 5 năm 2006 - 2010, thu ngân sách trong khối doanh nghiệp ĐTNN đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng bình quân trên 20%/năm. ĐTNN đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.Khu vực ĐTNN chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như năm 1995, khu vực ĐTNN, kể cả dầu thô, chỉ chiếm 27% tổng xuất khẩu cả nước, thì đến năm 2011 đã chiếm 59%. Đặcbiệt, ĐTNN góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, góp phần đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực. Tính đến nay, khu vực có vốn ĐTNN đã tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và một số lượng lớn lao động gián tiếp khác.
Mặc dù đã đạt được những kết quả cơ bản quan trọng nêu trên, song việc thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Tồn tại những vấn đề đó, nguyên nhân chủ yếu do hệ thống pháp luật chính sách liên quan đến đầu tư chưa đồng bộ và thiếu nhất quán; Chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn; Sự phát triển của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như chưa tạo điều kiện tốt để dòng vốn ĐTNN phát huy hiệu quả; Hạn chế về nguồn nhân lực đã qua đào tạo và có trình độ cao;Chưa thực hiện tốt công tác phân cấp quản lý ĐTNN; Công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các quy định về bảo về môi trường của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập; Công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong lúc chờ đánh giá để có thêm định hướng mới sát thực tế hơn, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá mà Đảng, Chính phủ đã đề ra là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn nhằm huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; Chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và dạy nghề; Cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trước mắt các Bộ ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp nêu tại Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ bằng việc Nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI; Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện của các dự án đầu tư.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhận định, về lâu dài, để môi trường đầu tư của Việt Nam có tính cạnh trạnh, phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn ĐTNN cho sự phát triển đất nước các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện một cách mạnh mẽ ở tất cả các khâu, trước hết là thực hiện các công việc về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý ĐTNN trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư