(MPI Portal) - Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện đã được công bố sáng ngày 14/3, tại Hà Nội với chủ đề “Liên kết kinh doanh”. Đây là một trong những tài liệu quan trọng, giúp các doanh nghiệp và những người quan tâm hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở cung cấp những thông tin tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đánh giá năng lực doanh nghiệp năm 2011.
Tham dự Lễ công bố có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng và đại diện một số Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Báo cáo thường niên năng lực cạnh tranh 2011 đã chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đương đầu trong năm 2011. Năm 2011, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động xấu từ bên ngoài, điển hình là cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, động đất sóng thần ở Nhật Bản. Môi trường kinh doanh trong nước kém đi nhiều so với năm 2010 được thể hiện qua các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là tình trạng lạm phát cao.
Ông Lộc cũng cho biết thêm, sau những tín hiệu hồi phục kinh tế năm 2010, năm 2011 kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp nhiều thách thức. Trước tình hình kinh tế khó khăn như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực vượt khó và đã thu được một số kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuy thấp hơn năm 2010 nhưng vẫn đạt được mức khá cao 5,89%. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 lần đần tiên vượt qua con số 200tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010. Điều này cho thấy sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Trong năm 2011, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được trong 2011, Báo cáo đưa ra những dự báo về một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, chỉ ra những yếu tố đã tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm vừa qua, như lãi suất ngân hàng, lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức cao. Ngoài việc đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam, đánh giá năng lực của doanh nghiệp, Báo cáo còn đi sâu vào phân tích thực trạng hoạt động của doanh nghiệp theo chủ đề lựa chọn của mỗi năm. Theo đó, Báo cáo lần này đã tổng hợp thành một bức tranh toàn cảnh về thực trạng liên kết kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay.
|
Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Đánh giá về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng và đang trong quá trình phát triển, ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam là quan trọng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, đưa ra những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, năm 2011 chứng kiến tình trạng lạm phát cao, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tình trạng nhập siêu, chi phí sản xuất đầu vào tăng, đầu tư công chưa hiệu quả.
Bà Victoria Kwakwa cho biết, việc thực hiện Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 là công việc quan trọng nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về doanh nghiệp Việt Nam 2011. Theo các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh ở Việt Nam năm 2011 đều đánh giá là kém hơn so với năm 2010. Còn theo “Báo cáo môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng thế giới, năm 2011 Việt Nam đã giảm 08 bậc xuống vị trí 98 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của 183 nền kinh tế. Theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011-2012” do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam ở vị trí thứ 65 trên tổng 142 quốc gia được khảo sát, giảm 06 bậc so với năm 2010.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp nâng cao vị thế của mình. Muốn nâng cao chất lượng của nền kinh tế, các doanh nghiệp phải xác định rõ vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất, từ đó có các biện pháp liên kết kinh doanh để cùng nhau phát triển. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết với nhau để không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn ở thị trường nước ngoài mà còn giữ vững và phát triển thị phần trên thị trường trong nước. Các doanh nghiệp liên kết kinh doanh bằng cách tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị, các mạng sản xuất và hình thành cụm công nghiệp. Việc liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc tại Lễ công bố. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Cũng tại Lễ công bố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đã giới thiệu sơ bộ các chính sách trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay. Theo ông Phúc, trước những tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng bằng việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ. Để tiếp tục có những biện pháp dài hạn hơn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần phải nghiên cứu sâu hơn những diễn biến của nền kinh tế thế giới để tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng các cơ hội và lợi thế của mình để phát triển, đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển vững chắc hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết thêm, về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Quốc hội đã đề ra mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2012 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6-6,5%; Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng 3,5%-3,7%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%-7,1%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 108-110 tỷ USD, nhập siêu khoảng 11%-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%GDP; Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2012 là 15 tỷ USD, vốn thực hiện là 11 tỷ USD.
|
Toàn cảnh buổi lễ: Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Với chủ đề năm là “Liên kết kinh doanh”, Báo cáo thường niên năng lực cạnh tranh 2011 đã lựa chọn 5 ngành tiêu biểu thể hiện được các mối liên kết trong kinh doanh là: Sản xuất chế biến thực phẩm; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; Sản xuất xe có động cơ; Dịch vụ vận tải và kho bãi; Du lịch.Dựa trên những phân tích và đánh giá, Báo cáo đã đưa ra các nhận định và đề xuấtmột số các kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp./.
Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bắt đầu từ năm 2006 với các chủ đề năm:
Năm 2006 - Hội nhập WTO
Năm 2007 – Lao động và phát triển nguồn nhân lực
Năm 2008 – Thị trường tài chính và tài chính doanh nghiệp
Năm 2009 – Nâng cao năng lực đổi mới doanh nghiệp
Năm 2010 – Một số xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam
Năm 2011 – Liên kết kinh doanh
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư