Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/03/2012-10:38:00 AM
Nền kinh tế của Mỹ tiếp tục đà phục hồi ấn tượng
Tỷ lệ người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, trong khi chỉ số bán buôn vẫn giữ được ở mức vừa phải là hai bằng chứng mới khẳng định đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới khá ổn định.

Tìm việc tại Hội chợ việc làm ở Los Angeles, Californi

Thông tin này càng tạo thêm thuận lợi cho nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ hai vốn đang ở thế thượng phong của Tổng thống Barack Obama.
Thông báo ngày 15/3 của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần trước, số công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 14.000 người xuống còn 351.000 người, ngang với số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tháng trước. Như vậy, số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trung bình trong 4 tuần qua ở Mỹ vẫn giữ được ở mức 355.750 người, giảm 14% kể từ tháng 10/2011.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục giữ được ở mức 8,3% và là mức thất nghiệp thấp nhất trong vòng ba năm qua. Tổng số công nhân thất nghiệp ở Mỹ tại thời điểm này là khoảng 12,5 triệu người.
Với đà này, chuyên gia kinh tế Steven Wood thuộc tổ chức “Insight Economics” dự báo trong tháng Ba này, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng tiếp tục tạo ra thêm được hơn 200.000 việc làm mới. Đây là dấu hiệu chứng tỏ đà phục hồi của kinh tế Mỹ đã đi vào ổn định.
Cùng ngày, trong một báo cáo riêng rẽ, Bộ Lao động cho biết chỉ số hàng hóa (PPI) mà ở Mỹ thường gọi là chỉ số bán buôn (WPI) trong tháng trước tăng 0,4%, thấp hơn mức dự báo 0,5% và chủ yếu bị tác động bởi giá xăng dầu leo thang. Chỉ số cơ bản, không bao gồm thực phẩm và xăng dầu, chỉ tăng 0,2%. Như vậy, trong 12 tháng qua chỉ số bán buôn ở Mỹ tăng tổng cộng 3,3%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2010.
Các chỉ số này cho thấy tỷ lệ lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức thấp. Đây là lý do Cục dự trữ liên bang (FED) trong cuộc họp hồi đầu tuần lại một lần nữa quyết định duy trì lãi suất các khoản vay ngắn hạn ở mức gần như bằng không đến hết năm 2014. Một mối lo đe dọa làm chậm đà phục hồi kinh tế Mỹ là giá xăng dầu vẫn tiếp tục đà leo thang từ đầu năm 2012 tới nay.
Các thông tin tích cực trên đây đã ngay lập tức tác động vào giới đầu tư, khiến cổ phiếu thị trường chứng khoán tăng khá mạnh. Chỉ số Standard & Poor 500 trong ngày 15/3 tăng lên mức 1.402,6 điểm. Đây là mức giá cao nhất của loại cổ phiếu này kể từ tháng 6/2008, ba tháng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính làm sụp đổ hàng loạt ngân hàng và các quỹ tín dụng danh giá của Mỹ.
Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 16 điểm, lên 3.056,37 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 59 điểm, lên 13.252,76 điểm. Đây là mức giá cao nhất của loại cổ phiếu danh giá nhất này kể từ tháng 12/2007. Như vậy, chỉ số Dow Jones đã tăng liên tiếp 7 trong 8 phiên giao dịch gần đây nhất.
Số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 15/3 cho thấy các tài sản tài chính của Mỹ vẫn hấp dẫn nhất thế giới đối với các nhà đầu tư.
Số cổ phiếu, trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ được các nhà đầu tư quốc tế mua trong tháng 1/2012 lên tới 101 tỷ USD , vượt quá cả mức dự báo lạc quan nhất là 38,5 tỷ USD, cao gấp hơn 5 lần so với mức 19,1 tỷ USD tháng 12/2011. Kim ngạch mua trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng Một lên tới 83 tỷ USD so với mức 14,9 tỷ tháng 12/2011.
Trung Quốc, nước sở hữu lớn nhất các trái phiếu kho bạc Mỹ, đã tăng mức mua trái phiếu trị giá 1,16 tỷ USD tháng 12/2011 lên 7,6 tỷ USD tháng 1/2012. Nhật Bản, nước sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, đã mua trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 20,8 tỷ USD trong tháng 1/2012, đưa tổng trị giá trái phiếu kho bạc Mỹ mà Nhật Bản đang nắm giữ lên tới 1.080 tỷ USD./.

TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1051
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)