Ngày 16/3, phát biểu tại Trường Đại học Oxford của Anh , Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy, đã kêu gọi tăng cường quản trị toàn cầu trong thế giới ngày càng toàn cầu hoá nhằm đảm bảo quản trị toàn cầu bắt kịp nhịp độ của toàn cầu hoá.
|
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy
|
Ông Lamy khẳng định thế giới hiện đại phụ thuộc và kết nối với nhau vượt quá sự tưởng tượng trước đây khiến một cơn sốc tài chính và kinh tế có thể lan nhanh chóng ra toàn cầu.
Thế giới đương đại thực sự khác biệt so với thế giới cách đây chỉ một thế hệ. Các dây chuyền sản xuất ngày càng trở nên toàn cầu và các sản phẩm hiện nay thực sự là sản phẩm toàn cầu “Made in the World”.
Các thách thức ngày càng mang tính chất toàn cầu và quy mô các thách thức mà thế giới đương đại đang đối mặt đã thay đổi sâu sắc trong vài thập kỷ qua.
Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh 4 thách thức trong quản trị toàn cầu bao gồm sự lãnh đạo, hiệu lực, sự cố kết và tính hợp pháp.
Ba thành tố quyết định hiệu lực quản trị toàn cầu đã nổi lên trong “tam giác cố kết toàn cầu".
Một là Nhóm G-20 gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thực sự đã thay thế nhóm G-8 gồm 8 nước công nghiệp phát triển trong cung cấp các định hướng chính sách, lãnh đạo chính trị và cố kết toàn cầu.
Hai là LHQ cung cấp khuôn khổ cho tính hợp pháp toàn cầu thông qua các trách nhiệm.
Và cuối cùng là các tổ chức quốc tế tập hợp các nước thành viên cung cấp kỹ năng chuyên môn và các đầu vào thích ứng để phát triển các quy chế, chính sách và các chương trình toàn cầu.
Theo ông Lamy hiện các cầu nối giữa G-20, LHQ và các tổ chức quốc tế đã bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trong khi cộng đồng quốc tế xây dựng các cơ chế thể chế trong nhiều lĩnh vực quản trị toàn cầu, các cơ chế này vẫn chưa vững chắc do chưa có các nguyên tắc và giá trị đủ mạnh cần thiết, đặc biệt là nền tảng cho các giá trị chung toàn cầu.
Trong bối cảnh này, giải pháp tăng cường quản trị toàn cầu không thể là toàn cầu hoá các vấn đề địa phương mà là địa phương hoá các vấn đề toàn cầu nhằm làm cho các vấn đề này được nhân dân dễ chấp nhận hơn, giúp củng cố sự thống nhất.
Quá trình này cần sự lãnh đạo mạnh không chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp quốc tế. WTO cũng nằm trong sự quản trị toàn cầu này và chịu trách nhiệm quản trị các quan hệ buôn bán quốc tế./.