Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chính sách siết chặt tín dụng tại các nước Châu Âu đang thực hiện đã ít nhiều tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này.
Một trong những khó khăn đó là các nhà nhập khẩu cá tra Châu Âu không có tiền để thu cá tạm trữ như mọi năm, trong khi đó, hiện các doanh nghiệp Việt Nam lại rất hạn chế bán hàng đối với những đối tác yêu cầu thanh toán chậm.
Hiện nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam rất lo ngại khi cho đối tác mua cá tra Châu Âu trả chậm, nhất là khi các ngân hàng khu vực này siết chặt bảo hiểm tín dụng. Do đó, để đảm bảo tài chính trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chọn phương án chỉ bán cá tra cho những nhà nhập khẩu truyền thống và uy tín thay vì “mạo hiểm” bán với số lượng lớn cho nhiều khách hàng cho dù có nhiều nhà nhập khẩu hỏi mua cá tra. Thậm chí, doanh nghiệp hiện đang phải rất cân đối nguồn tài chính để vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Tính đến nửa đầu tháng 3/2012, tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường Châu Âu đã có dấu hiệu khởi sắc với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 87,7 triệu USD, trong đó tháng 2 đạt 37,3 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu cá tra nhiều nhất trong khối EU là Tây Ban Nha có giá trị nhập khẩu cá tra từ Việt Nam đạt 8,6 triệu USD, tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, nguồn cá tra nguyên liệu trên thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến cá tra xuất khẩu và tình trạng “treo ao” hiện nay của người nuôi cá càng làm cho các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất. Dù lượng cá tra nguyên liệu trong các ao nuôi của người dân không còn nhiều nhưng giá cá tra nguyên liệu loại 1 hiện chỉ còn 23.000 - 23.500 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hiện nay đa số người nuôi cá chỉ chọn giải pháp bán cá lấy tiền mặt, trừ một số doanh nghiệp có uy tín và có năng lực tài chính rõ ràng nhưng thời gian cho trả chậm cũng rất ngắn. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp bán hàng cho đối tác nước ngoài đều thanh toán theo phương thức trả chậm. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã khó lại càng khó hơn.
VASEP cho biết, hiện nay hầu hết doanh nghiệp cá tra đang hoạt động cầm chừng nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân cũng như thực hiện một số ít đơn hàng cho những đối tác quen biết lâu năm. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động cũng còn nhằm chờ đợi sự mở rộng hạn mức tín dụng của ngân hàng để doanh nghiệp có nguồn tài chính tái đầu tư, ổn định sản xuất.