Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/05/2012-10:49:00 AM
Hội thảo RiskVietnam2012
(MPI Portal) - Sáng ngày 09/5, tại Hà Nội, Tạp chí Risk Asia đã tổ chức Hội thảo RiskVietnam2012. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo là cơ hội cho các nhà lãnh đạo trong nước và nước ngoài chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý rủi ro thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ các thị trường đang nổi lên.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng như phòng chống lạm phát và giảm thiểu rủi ro tiền tệ; Mục đích tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế nhà nước; Đánh giá tiềm năng mở rộng đầu tư của thị trường Việt Nam trong năm 2012 và 2013; Cơ hội tăng trưởng ngành và thị trường: Thị trường chứng khoán, thị trường vốn và bất động sản… cũng được tập trung thảo luận tại Hội thảo này.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã trình bày tham luận: Những thay đổi về chính sách, mục tiêu và ưu tiên của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)

Theo Thứ trưởngĐặng HuyĐông, quá trình cải cách DNNN tại Việt Nam được tiến hành từng bước, tự đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế thị trường, tiến đến đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đủ sức trở thành lực lượng nòng cốt để đảm bảo cân đối vĩ mô và an sinh xã hội.

Tính từ năm 2001 đến tháng 10/2011 đã sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa 3.388 DN và bộ phận DN, giao 189 DN, bán 135 DN, khoán kinh doanh, cho thuê 30 DN, sáp nhập 427 doanh nghiệp, hợp nhất 110 DN, giải thể 220 DN, phá sản 56 DN, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu 114 DN, chuyển cơ quan quản lý 88 DN. Từ năm 2001 đến nay đã sắp xếp 14 tổng công ty, cổ phần hóa 16 tổng công ty và ngân hàng thương mại.

Quá trình sắp xếp, đổi mới, khu vực DNNN đã giảm mạnh về số lượng, từ 5.655 DN vào năm 2001 xuống còn trên 1.300 DN 100% vốn nhà nước đến cuối năm 2011. Phạm vi ngành nghề kinh doanh của DNNN cũng đã được thu hẹp đáng kể, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển hạ tầng như: viễn thông, điện tử, khai khoáng, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông…

Nhằm phục vụ hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam, theo Thứ trưởngĐặng HuyĐông, có ba nội dung chính cần tập trung thực hiện. Thứ nhất, tiếp tục thu hẹp hơn nữa danh mục DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Việc điều chỉnh cần thực hiện theo hướng giảm dần số lượng các ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tăng dần quy mô, công suất của DN. DN 100% vốn nhà nước được duy trì phát triển có quy mô lớn, tính chất chuyên môn cao, tập trung vào các lĩnh vực then chốt…; Rà soát, sắp xếp, phân loại DN thành viên của các tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, dự kiến đến năm 2015, nhà nước còn nắm giữ 100% vốn tại 600 đến 700 DN, trong đó có 40-50 tập đoàn và tổng công ty nhà nước lớn.

Thứ hai, tiếp tục cổ phần hóa đổi mới DNNN không nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ triển khai cổ phần hóa khoảng 580 DN, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, DN cung ứng sản phẩm dịch vụ quan trọng. Đồng thời, cần thực hiện phân tích, đánh giá hoạt động hiệu quả của DN có vốn nhà nước, trên cơ sở đó sắp xếp, điều chỉnh lại danh mục đầu tư, tập trung vào những dự án đầu tư quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển của tập đoàn, dừng, hoãn, cắt giảm các dự án chưa đầu tư cần thiết, kém hiệu quả, chấn chỉnh việc đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Đổi mới và hoàn thiện hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với các DNNN thông qua việc quy định nhiệm vụ cụ thể, phương hướng và tiêu chí giám sát, đánh giá. Tăng cường áp dụng những chuẩn mực quản trị DN phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng của đội ngũ lãnh đạo quản lý tại DN, áp dụng chế độ công khai, minh bạch hóa những thông tin và tình hình tài chính của các DNNN.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và các mục tiêu giải pháp của Chính phủ Việt Nam và cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ dần đi vào ổn đinh, thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vàtăng trưởng ở mức hợp lý./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1430
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)