Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/05/2012-08:17:00 AM
Việt Nam – Nhật Bản: Chia sẻ kinh nghiệm trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
(MPI Portal) – Ngày 04/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Mô hình và định hướng hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh. Hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản trong hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, trong thời gian qua hệ thống cơ quan đầu mối thực hiện chức năng trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương còn yếu. Nguồn lực và kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ còn thiếu. Các cơ quan đầu mối ở cấp Trung ương mới chỉ tập trung vào xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển DNNVV, chưa có điều kiện đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách chương trình trợ giúp hỗ trợ DNNVV ở cấp địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh cho vay.

Toàn cảnh. Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)

Chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Miki Miyamoto, chuyên gia JICA cho biết, 99,7 % trong số 4,21 triệu công ty tại Nhật Bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nền kinh tế địa phương phát triển là nhờ hoạt động của các DNNVV liên quan trong ngành dịch vụ, bán lẻ và xây dựng. Các DNNVV đã đóng vai trò phục vụ kinh tế địa phương và tăng cơ hội việc làm.
Nhật Bản đã có nhiều sự thay đổi trong chính sách DNNVV từ triết lý đến chính sách tài chính, chính sách quảng bá phát triển, chính sách nhóm, chuẩn hoá giao dịch không công bằng…Mạng lưới hỗ trợ DNNVV tại Nhật Bản được chia làm các cấp khác nhau từ Cục DNNVV xây dựng các chính sách DNNVV toàn quốc, tiếp sau là Quận xây dựng các chính sách DNNVV địa phương thông qua Uỷ Ban vùng METI các cấp hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp DNNVV bởi chính quyền địa phương, ông Funabashi Gaku, chuyên gia JICA đã nêu ra trường hợp của Trung tâm kinh doanh cỡ nhỏ Tokyo Metropolitan (TMSBC). Ông cho biết, các DNNVV ở Tokyo đăng ký kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tỉ lệ doanh nghiệp sản xuất khá cao, trong tổng số 250.000 DNNVV thì có 38.000 doanh nghiệp sản xuất. TMSBC đã có nhiều chương trình khác nhau cho các doanh nghiệp như chương trình dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp phát triển và doanh nghiệp tiếp quản.
Các chương trình thực hiện sẽ quản lý bằng dịch vụ tư vấn một cửa từ đăng ký, kế hoạch kinh doanh, quản lý nói chung… và phát triển thị trường mới.
Về công nghệ nghiên cứu tính tiện lợi trong kinh doanh, kế hoạch kinh doanh sản phẩm mới sẽ được các doanh nghiệp gửi đến Uỷ ban đánh giá để phân tích, đánh giá, xếp hạng và đưa ra những lời khuyên để từ đó nhận những sự hỗ trợ khác từ TMSBC.
Bên cạnh đó, các DNNVV Nhật Bản đã thúc đẩy sự cộng tác với các doanh nghiệp lớn, các trường đại học để đưa ra các giải pháp, đề xuất kinh doanh mới, các vấn đề kỹ thuật, các thông tin mới về công nghệ…
TMSBC còn hỗ trợ vốn bằng cách trợ cấp trong một giới hạn nhất định, với mục tiêu phát triển các sản phẩm mới, phát triển thị trường, cải thiện các nguồn của địa phương.
Một ví dụ điển hình về DNNVV đã vận dụng mô hình trên là công ty TNHH NSK Echo mark với sản phẩm chính là in ấn, may trang phục thể thao, với 104 lao động Nhật Bản và 44 lao động Việt Nam.

Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)

Tại Việt Nam, theo ông Hồ Sỹ Hùng Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung như hoàn thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ tiếp cận tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và củng cố hệ thống trợ giúp…
Một chính sách hỗ trợ rành riêng cho DNNVV là đề án thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2011.
Đặc biệt, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm lãi xuất, miễn, giảm, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…
Tuy nhiên, theo ông Funabashi Gaku, Việt Nam không thể sao chép các chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản vì cùng quan điểm về sự ổn định vì nó khá nguy hiểm. Việt Nam cần có các tiêu chuẩn rõ ràng cho từng chương trình, để có thể vươn lên thành trung tâm điển hình như Tokyo./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1369
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)