Người Pháp luôn cho mình "quyền được ngoại lệ." Không có gì ngạc nhiên khi họ nắm trong tay nhiều "đặc sản" của thế giới, từ thực phẩm, rượu vang, thiên nhiên xinh đẹp tới các công trình kiến trúc, văn học và nghệ thuật vô giá.
|
Nước Pháp đang đứng trước những căn bệnh trầm trọng của nền kinh tế đang bị thử thách
|
Nhưng những ngoại lệ của kinh tế của Pháp đang được sát hạch qua thực tế, khi "bão" nợ đã hoành hành gần 3 năm tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Sức chịu đựng của Pháp trước những căn bệnh trầm trọng của nền kinh tế đang bị thử thách, khi Pháp áp dụng nhiều "giải pháp ngoại lệ" - với một trong những mức thuế cao nhất châu Âu, duy trì số giờ làm việc ít, bảo vệ việc làm, "hào phóng" chi cho phúc lợi xã hội và thực thi quy định về hưu sớm.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hứa hẹn đưa thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP trong kế hoạch ngân sách năm 2013, so với mức ước khoảng 4,5% GDP năm 2012. Không giống như nhiều vị lãnh đạo ở châu Âu, ông Holland có kế hoạch đạt 2/3 điều chỉnh ngân sách từ việc tăng thêm nguồn thu thuế (bất chấp kinh tế đang đình trệ), và chưa đầy một 1/3 còn lại là từ việc hạn chế chi tiêu công. Chi tiêu công chiếm khoảng 56% GDP của Pháp, mức cao nhất tại châu Âu (trừ Đan Mạch).
Trong khi các nước khác tìm cách thu hẹp khu vực công và bán bớt các tài sản thuộc nhà nước, ông Hollande lại đặt mục tiêu duy trì độ ngũ công chức "hùng hậu" 5 triệu người, thuê thêm giáo viên và cảnh sát, nhưng lại cắt giảm lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết nước này cần tiết kiệm tổng cộng 37 tỷ euro trong ngân sách để đạt được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về 3% GDP trong năm 2013. Trong khoản tiền trên, khoảng 7 tỷ euro là từ các điều chỉnh về thuế được thông qua trong năm nay.
Ông Hollande chủ trương "đánh người giàu" và phản đối giải pháp "thắt lưng buộc bụng." Ông Hollande có thể sẽ giảm nhẹ mức thuế 75% đánh vào những người có thu nhập trên 1 triệu euro (1,31 triệu USD)/ năm để "tha" cho các nghệ sỹ, các ngôi sao có thu nhập "khủng." Nhưng ông kiên quyết tăng thuế đánh vào mức lương cao, vào thu nhập đầu tư, các doanh nghiệp lớn, các khoản thưởng và quyền chọn mua/bán chứng khoán. Tăng thuế đánh vào các doanh nghiệp đi ngược với mục tiêu khôi phục sức sống cho nền kinh tế, mặc dù giúp tăng nguồn thu cho chính phủ. Các nhà bình luận Pháp ví von: "xem chừng ông Hollande có thể giết mất con bò mà ông đang muốn lấy sữa".
Nợ và thâm hụt ngân sách đều tăng dưới thời Tổng thống Jacques Chirac và cả Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trong khi đó, từ Đức tới Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đều "bức xúc" trước việc Pháp không có khả năng (hay không muốn) đi theo các cuộc cải cách đang được thực hiện rộng rãi để giúp nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn.
Với tỷ lệ thất nghiệp vọt lên trên 10%, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải sa thải nhân công và giảm sản lượng, Tổng thống Pháp tuần trước đã phải thừa nhận rằng quốc gia này đang vấp phải vấn đề về năng lực cạnh tranh. Tất cả các chỉ số liên quan tới cạnh tranh (từ chi phí lao động tới chất lượng đào tạo) cho thấy khoảng cách giữa Pháp và Đức đang ngày một nới rộng. Đặc biệt, Pháp thâm hụt thương mại với Đức tới 70 tỷ euro trong năm 2011.
Hoạt động thương mại của Pháp trong tháng 9/2012 đã rơi vào tình cảnh tồi tệ, khi sụt giảm với nhịp độ mạnh nhất kể từ tháng 4/2009. Theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu nội địa yếu và “sức khỏe” khu vực Nam Âu đi xuống là hai nhân tố đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone vào vùng âm.
Chỉ số quản lý sức mua tổng hợp Markit/CDAF – thể hiện ước tính sơ bộ về hoạt động của các công ty trong lĩnh vực dịch vụ và chế tạo - đã giảm xuống 44,1 trong tháng 9/2012, mức thấp nhất trong 41 tháng qua, so với mức 48,0 của tháng 8/2012. Tháng 9/2012 cũng là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này nằm dưới mốc 50 (ngưỡng phân định giữa sụt giảm và tăng trưởng).
Chris Williamson, chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc Markit, cho biết: Pháp - với quy mô kinh tế 2.000 tỷ euro - đã tăng trưởng 0% trong 9 tháng qua và có thể sụt giảm 0,5-0,6% trong quý III/2012. Ông Williamson nhận định hoạt động kinh doanh ảm đạm thực sự là một mối lo ngại lớn.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2012 tới nay, Tổng thống Hollande đã đặt mục tiêu khôi phục kinh tế Pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu, nhưng những nỗ lực của ông đã vấp phải trở ngại khi làn sóng giãn thợ gia tăng, với sự "góp mặt" của cả nhà bán lẻ khổng lồ Carrefour và hãng xe hơi Peugeot.
Hiện giá năng lượng và các hàng hóa khác đang leo thang trên thị trường quốc tế khiến chi phí đầu vào cao, trong khi nhu cầu yếu liên tục dìm giá thành phẩm, buộc các công ty phải chấp nhận mức lợi nhuận co lại. Ông Williamson dự báo hoạt động đầu tư cũng như thị trường việc làm sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí.
Cho đến nay, các thị trường tài chính vẫn "nuông chiều" nước Pháp và coi trái phiếu Chính phủ Pháp là một phương án đầu tư thay thế cho trái phiếu "siêu an toàn" của Đức, tức độ tin tưởng của nhà đầu tư với trái phiếu Pháp cao hơn nhiều so với của Italia và Tây Ban Nha. Lợi thế này cho phép Pari đi vay với lãi suất thấp lịch sử ngay cả khi nợ công của nước này vọt lên 90% GDP, cao hơn cả của Tây Ban Nha. Tóm lại, chừng nào sức ép đối với thị trường vẫn chưa nhiều, những "ngoại lệ kiểu Pháp" sẽ còn tồn tại./.