Ngày 9/5, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nêu rõ bất chấp thành tựu tăng trưởng kinh tế nhanh kể từ năm 2002, các nước đang phát triển hiện đang phải đối mặt với những thách thức chính sách, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thập kỷ qua.
Nhà kinh tế hàng đầu của UNCTAD Richard Kozul-Wright nhấn mạnh thật sai lầm khi khuyến cáo các nước đang phát triển tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển hiện hành.
Những quan điểm kinh tế cho rằng các động lực thị trường toàn cầu tiếp tục làm gia tăng sự thịnh vượng và thúc đẩy đường lối phát triển kinh tế hiện nay, trong đó các nước phương Bắc tăng cường chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các nước phương Nam tiếp tục mở cửa, sẽ nhanh chóng dẫn thế giới đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhà kinh tế này cho rằng mặc dù một số nước đang phát triển mới nổi đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng trước nguy cơ trì trệ kinh tế nhờ có sức chống đỡ mạnh trước sự trì trệ của các thị trường tài chính, nhưng tốc độ tăng trưởng của những nước này đã giảm mạnh khi dòng vốn bị đảo ngược, giá hàng hoá giảm nhanh và xuất khẩu suy giảm.
Những nghiên cứu mới nhất của UNCTAD cho thấy giải pháp có thể đảm bảo tăng trưởng phổ quát của các nước phương Nam là không ngừng đánh giá toàn diện các chính sách phát triển và cần môi trường bên ngoài ổn định hơn.
Tăng trưởng phổ quát ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của nhu cầu trong nước và môi trường đầu tư thuận lợi.
Chính sách kinh tế khắc khổ có thể giúp các nước phát triển vượt qua được khủng hoảng hay không còn là vấn đề tranh cãi, nhưng chính sách kinh tế hiện hành của các nước đang phát triển đã được khẳng định là sai lầm nếu tiếp tục được thúc đẩy.
Những thách thức chính sách đối với các nước đang phát triển, kể cả các nước phát triển đầu đàn trong thập kỷ tới, sẽ gay gắt hơn thập kỷ đã qua, đặc biệt nếu nền kinh tế các nước phương Bắc tiếp tục trì trệ.
Ông Kozul-Wright kêu gọi các nước đang phát triển tập trung thúc đẩy 3 lĩnh vực chính sách thiết yếu. Một là chính sách kinh tế vĩ mô phải được mở rộng ra ngoài các mục tiêu hạn hẹp về tiền tệ hoặc lạm phát, đồng thời nỗ lực làm dịu các thị trường vốn quốc tế.
Các mục tiêu về việc làm và tăng trưởng đầy tham vọng chỉ có thể đạt được với đầy đủ những công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm đầu tư công và các biện pháp mở rộng tài chính để thúc đẩy nhu cầu trong nước và môi trường đầu tư thuận lợi.
Hai là các chính sách công nghiệp cần hỗ trợ mở rộng sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, khai thác được nguồn tri thức và tiến bộ kỹ thuật cao nhất.
Những thể chế công hiệu quả, trong đó có các ngân hàng phát triển, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đa dạng nền kinh tế và đầu tư dài hạn.
Ba là chính sách xã hội. Sự bất bình đẳng xã hội gia tăng trong những thập kỷ gần đây đã làm biến dạng nền kinh tế và gây bất ổn chính trị ở nhiều nước đang phát triển.
Nhiều nước Mỹ Latin đã bắt đầu điều chỉnh sự tăng trưởng không cân bằng của hai thập kỷ qua thông qua các chính sách tái phân phối và đổi mới chính sách xã hội.
Ông Kozul-Wright nhấn mạnh tăng cường quan hệ Nam-Nam sẽ tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư. Mặc dù đầu tư Nam-Nam đã tăng lên, song nguồn tài chính vẫn cần được khuyến khích thông qua việc đổi mới những dàn xếp về tài chính và mở rộng hợp tác Nam-Nam./.