Ngày 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) đã công bố Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, Báo cáo của ESCAP đã phân tích về các giải pháp của Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2011. Theo đó 4 tháng đầu năm 2012, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định hơn với việc lạm phát hạ đáng kể, dư nợ tín dụng giảm mạnh, lãi suất bắt đầu hạ, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng...
Nhận định niềm tin vào điều hành chính sách đang được phục hồi, vấn đề giải quyết nợ xấu và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cần giải quyết một cách căn bản, Báo cáo đã đưa ra một số dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ đạt khoảng 5,8%, lạm phát sẽ giảm xuống mức 1 con số trong nửa cuối 2012; về 3 lĩnh vực tái cơ cấu sẽ thực hiện quyết liệt trong 2012; về các giải pháp an sinh xã hội.
Về các giải pháp để đối phó với giá hàng hóa cao, Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa nền kinh tế, tạo cơ hội việc làm hữu ích và tăng tiêu dùng nội địa. Biện pháp đi kèm là tăng lương theo kịp với tăng năng suất và thu hút nhiều người nghèo hơn vào sản xuất kinh doanh hữu ích. Cách tốt nhất là tăng năng suất nông nghiệp với trọng tâm là mở rộng việc làm phi nông nghiệp, mở rộng thị trường nội địa đối với hàng nông sản, tiếp tục hỗ trợ phát triển nông thôn và cách mạng xanh dựa trên công nghệ hiện đại, giống mới, cung cấp tín dụng cho người nghèo.
Trình bày về tình hình và triển vọng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, tiến sĩ Shuvojit Bannerjee, cán bộ kinh tế của ESCAP tại Bangkok (Thái Lan) cho biết, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động cơ tăng trưởng của toàn cầu. Mặc dù có sự giảm đà tăng trưởng nhưng đây vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng ở mức mạnh mẽ (8,6%), giảm so với mức 9,2% năm 2011.
Tăng trưởng ở Ấn Độ được dự báo ở mức 7,5% trong năm 2012, tăng so với mức 6,9% trong năm vừa rồi. Do đó, tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012 được duy trì ở mức tốt hơn so với bất cứ khu vực nào khác - tiếp tục là một mỏ neo cho sự ổn định và một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự biến động giá tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng giá tiêu dùng tăng. Giá cả cao và sự biến động liên tục có khả năng sẽ thành một điều bình thường trong nền kinh tế toàn cầu. Biến động của giá cả sẽ làm thay đổi những cơ chế khuyến khích.
Thông điệp từ Báo cáo cho biết, các nền kinh tế kém phát triển hơn cần chống lại áp lực tập trung chuyên môn hóa vào hàng tiêu dùng. Bởi vì áp lực này có thể làm chậm quá trình công nghiệp hóa, đa dạng hóa kinh tế và việc xây dựng năng lực sản xuất./.