Ngân hàng Thượng Hải - Hong Kong (HSBC) ngày 3/9 cho biết trong tháng 8/2012, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua trong bối cảnh tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực tới nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này.
|
Một nhà máy lắp ráp xe đạp ở Giang Tô, Trung Quốc
|
Trong một báo cáo, HSBC nêu rõ số liệu mới nhất của Chỉ số quản trị mua sắm (PMI - chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất toàn quốc) được ngân hàng này theo dõi chặt chẽ tại Trung Quốc đã giảm từ 49,3 trong tháng Bảy xuống còn 47,6 trong tháng Tám.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 và đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp trong chỉ số PMI của cường quốc châu Á này. Theo các chuyên gia, chỉ số PMI trên ngưỡng 50 thể hiện sự phát triển, trong khi dưới 50 thể hiện sự suy giảm.
Trao đổi với báo giới, chuyên gia kinh tế Khuất Hồng Bân của HSBC khẳng định các số liệu này cho thấy khu vực sản xuất của Bắc Kinh đang đối mặt "với sức ép suy giảm ngày càng tăng" và các nỗ lực kích cầu trước đây là không đủ. Theo ông, Trung Quốc cần phải tăng cường việc nới lỏng chính sách để ổn định tăng trưởng và cải thiện tình hình thị trường việc làm.
Theo thống kê, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại ở mức 7,6% trong quý 2/2012, mức thấp nhất trong ba năm qua và là quý tăng trưởng chậm lại thứ sáu liên tiếp. Các nhà chức trách Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất và hạ số tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nhằm kích thích hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định các số liệu về thương mại, sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ và đầu tư trực tiếp nước ngoài gần đây đều thấp khiến nhiều người quan ngại các nỗ lực kích thích tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc có thể vẫn chưa đủ./