Không ít người băn khoăn khi vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 8,47 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ 2011, nhưng có lẽ đã đến lúc không chỉ đơn thuần căn cứ số vốn đăng ký của những dự án “tỷ đô”.
Điểm sáng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay chính là lượng vốn giải ngân đạt gần 7,3 tỷ USD, chỉ thấp hơn 0,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Đây làkết quả bước đầu từ các giải pháp thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn FDI đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai từ đầu năm cũng như chủ trương chọn lọc các dự án FDI có chất lượng, hiệu quả, làm tăng năng lực cạnh tranh cũng như gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mạnh dạn sàng lọc dự án FDI
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương đã mạnh dạn loại bỏ những dự án đăng ký nhưng chậm giải ngân. Điển hình là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong thu hút FDI nhiều năm qua, nhưng chỉ tiêu đặt ra trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh này cho năm 2012 chỉ là 500 triệu USD, bằng một nửa năm 2011. Định hướng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là thúc đẩy việc giải ngân 27 tỷ USD của 298 dự án được cấp phép trong nhiều năm qua.
Một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bình Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đà Nẵng... cũng đang rà soát lại tất cả những dự án đầu tư đã được cấp phép nhưng chậm triển khai, để có phương án hỗ trợ nhà đầu tư sớm thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư không có kế hoạch triển khai hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, tỉnh sẽ thu hồi để nhường dự án cho nhà đầu tư khác.
Lãnh đạo một số địa phương cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu của các địa phương hiện nay là dự án công nghệ cao, dự án sử dụnglượng lao động được đào tạo lớn, không đón chào các dự án thâm dụng đất, thâm dụng tài nguyên…
Đặc biệt, quan điểm tiếp cận trực tiếp với nhà đầu tư để tìm kiếm tiếng nói chung về lợi ích cũng được nhiều địa phương ủng hộ và triển khai thực hiện, nhằm tạo ra sự chủ động động trong việc nâng chất lượng vốn FDI tại địa phương.
Bên cạnh đó, nếu những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô khiến luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam bị ảnh hưởng thì chính sự ổn định bước đầu về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ tiêu chủ yếu như lạm phát giảm dần, lãi suất thấp, hệ thống ngân hàng từng bước được làm lành mạnh… sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trở lại. Cùng với đó là cam kết của Chính phủ Việt Nam duy trì sự ổn định này trong những năm tiếp theo, được Người phát ngôn Chính phủ đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2012, sẽ là nhân tố quan trọng để tạo dựng niềm tin dài hạn cho nhà đầu tư, đặc biệt là những công ty đa quốc gia có tiềm năng lớn về công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ và tri thức.
Đột phá không chỉ từ ưu đãi
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, thay vì đưa ra các ưu đãi, chúng ta nên tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, sự sẵn sàng của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI...
Chia sẻ nhưng kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Hàn Quốc, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), cho biết: “Không thể một lúc bước từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp, công nghệ cao được. Chúng ta cần có thời gian, cần có công nghiệp phụ trợ”.
Theo ông Hong Sun, Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đa quốc gia, bởi đi cùng với họ thường là những doanh nghiệp phụ trợ. Theo cách nhìn của ông Hong Sun, muốn thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ và có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý. Thêm vào đó, theo ông này, một khía cạnh quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó Giám đốc điều hành, Phụ trách lĩnh vực kinh doanh Tập đoàn Reed Tradex, nhận xét hiện tại, có hai nhóm nhà đầu tư trên thế giới. Một là, nhóm nhà đầu tư mang công nghệ tiên tiến, hiện đại đến; hai là, nhóm nhà đầu tư muốn lợi dụng lao động giá rẻ, mang theo những công nghệ lạc hậu. Việt Nam phải cẩn trọng trong lựa chọn FDI và có chính sách phù hợp để thu hút được dòng vốn có chất lượng vào Việt Nam. Nâng cao kỹ năng của lao động là nhiệm vụ chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư.
Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng có lựachọn. Bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần có hệ thống ưu đãi linh hoạt cho các nhà đầu tư mục tiêu, chủ động tiếp xúc, đàm phán và thuyết phục các nhà đầu tư mục tiêu; tăng cường năng lực của cơ quan khuyến khích đầu tư quốc gia, hàng năm xác định những nhà đầu tư nào cần ưu tiên nhất để chào mời đầu tư vào Việt Nam./.
Phương Nguyên
Cổng thông tin điện tử Chính phủ