Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2011-10:40:00 AM
Điều tra, khảo sát nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin của doanh nghiệp nhỏ và vừa
(MPI Portal) – Sáng 30/11/2011, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp nghe báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Cuộc điều tra khảo sát nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin của các DNNVV được triển khai trong năm 2011, khảo sát 1.023 đối tượng DNNVV trên địa bàn 5 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng của cả nước là Vĩnh Phúc, Hải Dương (ở miền Bắc), thành phố Đà Nẵng (ở miền Trung), Đồng Nai và Bình Dương (ở miền Nam).
Đây là các tỉnh, thành phố có mặt bằng chung về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng vào loại khá và có tốc độ phát triển cao so với cả nước. Ở những tỉnh/thành phố này, số lượng doanh nghiệp tập trung nhiều, đặc biệt là các DNNVV, do vậy kết quả điều tra khảo sát sẽ đại diện một phần cho những thông tin thu thập được đối với các DNNVV trên cả nước.
Từ kết quả tổng hợp, phân tích, báo cáo đã đưa ra một số nhận định rằng hầu hết các DNNVV đều nhận thức được tầm quan trọng và vai trò to lớn của thông tin trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và mong muốn được cung cấp thông tin một cách kịp thời, có hệ thống và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Tuy nhu cầu lớn nhưng thông tin được cung cấp vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ cho doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở khoảng cách giữa nhu cầu thông tin của doanh nghiệp và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với những thông tin họ thu thập được. Bên cạnh đó, nhiều văn bản được ban hành cùng thời điểm nhưng không nhất quán, chồng chéo cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Chất lượng thông tin mà doanh nghiệp có được chưa cao thể hiện ở cả tính đầy đủ, tính kịp thời và độ tin cậy. Thông tin là một loại hàng hóa đặc thù mà nếu thiếu một trong ba khía cạnh trên thì giá trị của thông tin sẽ bị hạn chế nhiều.
Việc tiếp cận và xử lý thông tin của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn xuất phát từ hai phía, cả khách quan và chủ quan. Về phía khách quan, doanh nghiệp vẫn còn thiếu nguồn thông tin do những đối tượng cung cấp thông tin, đặc biệt là cơ quan Nhà nước còn chưa tiếp cận các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trong mẫu điều tra.
Đề án đã đưa ra một số giải pháp đối với Nhà nước như cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về hỗ trợ thông tin cho DNNVV; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án trợ giúp thông tin cho DNNVV; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin.
Ngoài những giải pháp đối với nhà nước, những giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp cũng được gợi ý để đánh giá và nghiên cứu sâu hơn. Theo đó, 49% số doanh nghiệp được điều tra cho rằng cần thực hiện giải pháp về xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí, nhân lực cho việc thu thập và khai thác thông tin. Hơn một nửa số doanh nghiệp được điều tra nhận thấy cần tổ chức đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp. Về giải pháp tập huấn, tăng cường năng lực thu thập, xử lý và phân tích thông tin để ra quyết định SXKD trong doanh nghiệp, 48% số doanh nghiệp được điều tra cho là cần thiết.
Mức độ tiếp cận thông tin của doanh nghiệp (biểu độ kết quả khảo sát của Dự án)
So với mặt bằng chung, các doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài có được thành công hơn cũng một phần nhờ vào việc đầu tư đúng mức cho lĩnh vực thông tin. Với tốc độ hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới ngày càng nhanh như hiện nay, nắm bắt thông tin sẽ là một kỹ năng cần thiết trong lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy vậy, đạt được điều đó đòi hỏi sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin và ra quyết định của doanh nghiệp. Do vậy, hơn lúc nào hết, đây là thời cơ mà doanh nghiệp cần nắm lấy thông tin qua việc đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực bản thân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin. Bên cạnh sự trợ giúp từ phía Nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ thông tin của riêng mình, đa dạng hóa các nguồn thông tin của mình dựa trên vốn xã hội của doanh nghiệp, liên tục đào tạo và đào tạo lại kỹ năng xử lý thông tin cho các cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Xuân Thuyên, Chuyên viên cao cấp, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Báo cáo cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ mà đề cương dự án đề ra, cơ bản thực hiện theo các câu hỏi mà Phiếu Điều tra đã xác định trước. Các nội dung phân tích rất đa dạng, hữu ích và được minh hoạ thông qua 19 bảng và27 đồ thị. Đặc biệt, các kết luận và kiến nghị mô hình và phương thức cung cấp thông tin cho DNNVV trong thời gian tới là hợp lý, có tính thực tiễn cao và phù hợp với nhóm giải pháp trợ giúp DNNVV về thông tin và mở rộng thị trường trong Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 5 năm từ 2011 đến 2015. Hiện nay, Dự thảo Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 đã được báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2333
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)