Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/4 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2012 - 2013, song cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cộng với giá dầu mỏ leo thang sẽ tiếp tục làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố 2 lần/năm, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 3,5% trong năm 2012 và 4,1% vào năm 2013 - cao hơn so với mức dự báo lần lượt 3,3% và 4% mà cơ quan này đưa ra trước đó.
IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song "vẫn rất mong manh" và tiếp tục dễ bị tổn thương trước các nguy cơ lớn. Cũng theo thể chế tài chính này, tốc độ phục hồi đặc biệt trì trệ tại các cường quốc kinh tế.
Theo báo cáo, những thách thức này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có thêm nhiều hành động, chính sách, nhất là ở các nước phát triển, trong đó có việc giải quyết "không chậm trễ" cuộc khủng hoảng ở Eurozone.
Đối với Mỹ, IMF cảnh báo việc gia hạn giảm thuế thu nhập và trợ cấp thất nghiệp nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế đầu tàu thế giới này do chính sách này cản trở các biện pháp thắt chặt chi tiêu mà Chính phủ Mỹ đề ra.
Giá dầu mỏ leo thang cũng có thể khiến lạm phát tăng cao, từ đó kìm hãm tốc độ tăng trưởng. IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Mỹ giải quyết vấn đề nợ công, trong bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn bên bờ suy thoái.
Theo IMF, Mỹ cần ưu tiên thực hiện một chương trình nghị sự chính sách tài chính "đáng tin cậy" để có thể giải quyết vấn đề nợ công "một cách bền vững" trong trung hạn. Tuy nhiên, IMF vẫn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,1% trong năm nay và 2,4% trong năm 2013, từ mức dự báo 1,8% và 2,2% đưa ra hồi đầu năm.
Trong báo cáo, IMF khẳng định các nền kinh tế chủ chốt khu vực đồng euro sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay, song có nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan vào năm 2013.
IMF dự báo 6 tháng đầu năm 2012, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone tăng 0,5% và tiếp tục tăng trong những tháng tới. Cụ thể, Đức và Pháp đạt mức tăng trưởng lần lượt là 0,6% và 0,5%, trong khi tỷ lệ này ở Italy là 1,9% (giảm so với dự báo 2,2% trước đó) và Tây Ban Nha là 1,8% (tăng nhẹ từ dự báo 1,7%).
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Hy Lạp (xuống còn 4,7%) và Bồ Đào Nha (xuống còn 1,8%). Các chuyên gia IMF cho rằng nguy cơ đe dọa kinh tế châu Âu vẫn tiềm ẩn, song không đáng kể, và ngay cả Tây Ban Nha cũng sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2013.
Báo cáo của IMF nhận định Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng 8,2% trong năm 2012 và 8,8% năm 2013, chủ yếu nhờ chỉ số tiêu dùng và đầu tư tăng cao. Các dự báo này đều cao hơn mục tiêu tăng trưởng 7,5% mà Bắc Kinh đề ra.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng sự yếu kém trên thị trường xuất khẩu và lĩnh vực bất động sản sẽ đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Đối với các nền kinh tế còn lại của khu vực châu Á, IMF cho rằng sẽ không thể xảy ra suy thoái nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh và cơ chế tiền tệ linh hoạt. Nỗ lực tái thiết nền kinh tế của Nhật Bản và Thái Lan sau các thảm họa thiên nhiên cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực này.
Theo IMF, Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2% trong năm nay, tăng nhẹ so với 1,7% năm 2011.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố trước thềm các cuộc họp giữa ban lãnh đạo IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng hàng nghìn quan chức tài chính và các nhà kinh tế trên thế giới, dự kiến khai mạc trong tuần này tại thủ đô Washington, Mỹ./.