Ngày 30/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Manisa (Thổ Nhĩ Kỳ) tổ chức hội thảo giao thương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam lần này gồm 50 thành viên, trong đó có 35 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, xây dựng, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm…
Ông Bulent Kosmaz, Trưởng đoàn Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mục tiêu đoàn tham gia hội thảo nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác. Dịp này, một số công ty lớn của Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tìm hiểu năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp và khảo sát thị trường Việt Nam để ký kết các hợp đồng hợp tác.
Dự kiến kim ngạch thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2011 sẽ đạt 1 tỷ USD. Với kim ngạch nhập khẩu trên 100 tỷ USD mỗi năm và đến năm 2013 sẽ đạt 260 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam.
Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là cửa ngõ để hàng xuất khẩu Việt Nam: gạo, caosu, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ… vào khu vực Trung Đông và nơi trung chuyển vào thị trường EU. Ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp của Việt Nam như phôi thép, sắt thép, vật liệu xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ôtô…
Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực đóng tàu, chế biến thực phẩm, dầu khí, dệt may, da giày…
Ông Trần Quang Huy, đại diện Bộ Công Thương nhận định hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực khảo sát thị trường Việt Nam để tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức và chưa hiểu biết cũng như tăng cường cập nhật thông tin về thị trường, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, do Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ và nơi trung chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Đông và EU nên thị trường này áp dụng các tiêu chuẩn tương tự EU đối với các mặt hàng xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khăn nhất định./.