Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/09/2012-08:23:00 AM
Đầu tư nước ngoài 9 tháng 2012: Đầu tư Nhật Bản khẳng định vị trí số 1 tại Việt Nam
(MPI Portal) – Với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 4,677 triệu USD (với 203 dự án cấp mới và 82 lượt dự án tăng vốn), Nhật Bản vững chắc ở vị trí số 1 trên danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chiếm 49% vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng năm 2012.Tính tới thời điểm hiện nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 1.758 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ USD (chiếm 13,7% vốn đăng ký), xếp thứ nhất trên 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Sản xuất hệ thống dây dẫn điện cho xe ô tô tại Liên doanh Sumi – Hanel. Ảnh: Internet
Ngay từ đầu năm 2012, các dự án đầu tư lớn của Nhật Bản đã được khởi động như Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương, nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone Hải Phòng, Oshima Shipbuilding Khánh Hòa, Shimizu Corp hợp tác với N&G phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, Sumitomo mở nhà xưởng tại khu công nghiệp Thăng Long hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản,v.v… Một số Công ty trong lĩnh vực công nghiệp cũng công bố mở nhà máy trong năm 2012 như JS Group xây nhà máy sản xuất khung cửa, Tamron sản xuất ống kính, Nippon Oil sản xuất dầu nhờn, MES sản xuất kết cấu sắt thép và cầu, Shin-Etsu với tái chế đất hiếm và sản xuất vật liệu silicon. Tập đoàn Aeon (lớn nhất Châu Á trong lĩnh vực bán lẻ) được cấp Giấy phép đầu tư từ tháng 7/2011 với tổng vốn đầu tư 109 triệu USD, mục tiêu xây dựng trung tâm mua sắm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai dự án, dự kiến dự án sẽ chính thức hoạt động vào năm 2014. Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam khẳng định: “Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế cũng như sự tăng trưởng tiêu dùng của thị trường Việt Nam, chúng tôi không ngần ngại quyết định đầu tư”.
Không chỉ dẫn đầu về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh, mua bán sáp nhập (M&A) để mở rộng thị trường trong nước như Kirin Brewery, Asahi Breweries mua cổ phần của SABECO, tập đoàn Nichirei mua cổ phần của Cholimex, tập đoàn Ezaki Glico mua cổ phần của Kinh Đô, v.v…
Một điều được nhận thấy rõ là từ đầu năm 2012, các hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra liên tục và sôi động, tiêu điểm là việc ký kết Biên bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) vào ngày 25/9/2012 tại Hà Nội là một minh chứng cho thấy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng. Ngoài các hoạt động xúc tiến đầu tư ở cấp Quốc gia, các địa phương cũng đã chủ động triển khai các Chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản như tỉnh Hải Dương (tháng 4/2012), tỉnh Quảng Nam (tháng 5/2012), tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Định (tháng 9/2012). Không chỉ dừng lại ở đó, rất nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư của JCCI, JETRO, các địa phương của Nhật Bản và các Tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng đã được tổ chức tại Việt Nam từ đầu năm 2012 đến nay.
Chủ tịch JCCI Tadashi Okamura:“Trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình phát triển công nghiệp mạnh mẽ, Nhật Bản với công nghệ tiên tiến sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Biên bản ghi nhớ này như một cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía về hợp tác đầu tư phát triển”
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Mới đây, JCCI và VCCI đã tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam – Nhật Bản. Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành JCCI nhận định, trước đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản thường đầu tư cùng với các doanh nghiệp lớn khi đầu tư ở nước ngoài để thành lập chuỗi các Công ty vệ tinh phục vụ. Tuy nhiên, gần đây xu hướng này đã thay đổi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đã chủ động tự tìm kiếm đối tác và cơ hội đầu tư và Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn. Một điểm khác mà ông Toshio Nakamura nhấn mạnh, bắt nguồn từ thảm họa động đất sóng thần năm ngoái, một loạt các nhà máy tại Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề, sản xuất không đáp ứng nhu cầu. Vì thế, để duy trì chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm kiếm, xây dựng các nhà máy ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo đánh giá từ phía Nhật Bản, so với đợt tìm kiếm cơ hội năm 2008, đến nay, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn chưa có sự khác biệt nhiều. Tuy nhiên, độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản không hề thay đổi. Lần tìm kiếm cơ hội này, độ quan tâm, nhiệt tình của doanh nghiệp Nhật Bản đã cao hơn rất nhiều. Việt Nam hấp dẫn là do có lực lượng lao động dồi dào, thị trường hấp dẫn.
Sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp Nhật Bản đối với địa chỉ đầu tư Việt Nam đã có từ rất lâu, chứ không phải xu hướng rút khỏi thị trường Trung Quốc do sự căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc gần đây. Như phát biểu của ông Tadasi Okamura, Chủ tịch JCCI: “Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam được xem là địa chỉ vàng về thu hút đầu tư”./.
Tình hình đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2012
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mặc dù kinh tế - xã hội trong nước còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng vẫn đạt 8,1 tỷ USD (bằng 98,8% cùng kỳ năm trước), mặc dù vốn cấp mới chỉ bằng 61% so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký tăng thêm đã tăng 7,2% so với cùng kỳ. Một tín hiệu đáng mừng khác là xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không tính dầu thô) tăng 37,9% so với cùng kỳ, nếu tính cả dầu thô thì tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lĩnh vực: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 65% vốn đăng ký, lĩnh vực bất động sản xếp thứ 2 chiếm 19% vốn đăng ký, xếp thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa. Một điểm đáng lưu ý là lĩnh vực viễn thông thu hút hơn 400 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, xếp thứ tư, chiếm tỷ trọng 4,2%.
Theo hình thức đầu tư: 100% vốn nước ngoài vẫn chiếm ưu thế với 646 dự án cấp mới, 282 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,31 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,8%;Liên doanh với 124 dự án cấp mới, 28 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,08 tỷ USD, tỷ trọng 21,8%. Có 5 dự án được cấp mới theo hình thức Công ty cổ phần. Các hình thức đầu tư khácnhư BOT, BT không có dự án được cấp phép.
Theo đối tác: Có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2012, dẫn đầu là Nhật Bản với 203 dự án cấp mới, 82 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.677 triệu USD, chiếm tỷ trọng 49%; xếp thứ 2 là Samoa với 4 dự án cấp mới, 2 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 889 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,33%; xếp thứ ba là Hàn Quốc với 159 dự án cấp mới, 57 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 711 triệu USD; xếp thứ tư là British Virgin Islands với 14 dự án cấp mới, 14 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký 611 triệu USD; xếp thứ năm là Singapore với 67 dự án cấp mới, 33 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký 588 triệu USD.
Theo địa bàn: Các địa bàn có điều kiện thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc dẫn đầu về thu hút, xếp thứ nhất là Bình Dương (2.164 triệu USD vốn đăng ký), thứ hai là Hải Phòng (1.077 triệu USD vốn đăng ký), thứ ba là Đồng Nai (991 triệu USD vốn đăng ký), thứ tư là thành phố Hồ Chí Minh (996 triệu USD vốn đăng ký) và tiếp theo là Hà Nội (954 triệu USD vốn đăng ký).
Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2699
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)