Ngày 21/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng do khủng hoảng nợ công.
Ủy ban Tiền tệ và tài chính quốc tế (IMFC) - cơ quan điều hành của IMF - cũng ghi nhận quyết định của châu Âu hồi tháng Ba vừa qua thiết lập "bức tường lửa" ngăn ngừa rủi ro cũng như củng cố hệ thống tài chính châu Âu như một phần trong nỗ lực thúc đẩy cải cách rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương 188 nước thành viên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ), ủy ban trên nhấn mạnh các cuộc cải cách có ý nghĩa sống còn đối với tăng trưởng bền vững.
Trong thông cáo báo chí đưa ra sau hội nghị, IMFC khẳng định duy trì những tiến bộ nhằm đảm bảo ổn định tài chính và các nỗ lực cải cách cơ cấu là hết sức cần thiết đối với việc khôi phục niềm tin, tái cân bằng trong liên minh tiền tệ, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng tại Eurozone. Ủy ban trên cũng nhận định nền kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi và vẫn còn nhiều phải làm ở phía trước.
Cuộc khủng hoảng tại Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung là một chủ đề nóng tại hội nghị thường niên Mùa Xuân IMF-WB.
Trước đó, ngày 20/4, tại hội nghị giữa IMF và các bộ trưởng tài chính cùng thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Eurozone và nhiều nước đã cam kết đóng góp 430 tỷ USD cho quỹ dự phòng rủi ro được thành lập nhằm mục đích can thiệp để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng trong tương lai.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng đã kêu gọi thế giới hành động tập thể để ngăn ngừa tái diễn khủng hoảng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tuy đã phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ rủi ro cao.
Theo bà, các nền kinh tế mới nổi cần tái tập trung vào tăng trưởng trong nước, trong đó không chỉ dựa trên đầu tư mà cần thúc đẩy tiêu dùng, quản lý dòng vốn và chấp nhận nới lỏng tiền tệ ở mức thích hợp.
Các nước thu nhập thấp đứng trước khả năng dòng viện trợ, cũng như nguồn kiều hối giảm mạnh, làm suy yếu nền tảng của các hành động chính sách./.