(MPI Portal) - Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2014 được tổ chức trong hai ngày 30/6 và 01/7, tại Trụ sở Chính phủ. Phiên họp được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm; thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm.
Chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội
Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng,cùng có lợi. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo đảm nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào một thị trường nhất định đã được nêu ra trong nội dung Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp nắm chắc diễn biến tình hình, bám sát yêu cầu thực tiễn, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội; Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá; Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, chủ động có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, tín dụng, đất đai... Thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản; Tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc và với các đối tác khác; Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong triển khai thực hiện.
Các Bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo đánh giá sát đúng tình hình, kết quả năm 2014 để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, bảo đảm phù hợp, khả thi.
Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp trên Biển Đông nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt hơn trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP tăng ổn định qua các quý (quý II đạt 5,25%, cao hơn mức 5,09% của quý I); 6 tháng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ năm 2013); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,38% so với tháng 12/2013, thấp nhất trong 13 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu; cán cân thanh toán thặng dư. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; xử lý nợ xấu chậm; tốc độ tăng tổng cầu thấp, sức mua chậm phục hồi…
Tại phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương đều thống nhất với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhất trí với các định hướng chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm; nhất trí kiên định định hướng điều hành và không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2014, khẳng định quyết tâm và nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư