Ngày 27/3, kết thúc Hội nghị phối hợp cấp bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và Phát triển kinh tế giữa Liên minh châu Phi (AU) và Uỷ ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA) ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, một lần nữa cả AU và UNECA đã khẳng định vai trò của châu Phi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu với vị thế mới là một cực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Báo cáo chung về Kinh tế châu Phi của UNECA và AU không chỉ cung cấp các số liệu cho thấy châu Phi có thể đóng vai trò một cực tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới, mà còn đề xuất các kế hoạch cụ thể nhằm phát huy các tiềm năng phát triển to lớn và huy động các nguồn tài nguyên để thay đổi cơ cấu kinh tế châu Phi.
Báo cáo nhấn mạnh để trở thành một cực tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thế giới, châu Phi cần giữ vững động lực tăng trưởng hiện nay trong 2 thập kỷ tới đồng thời thúc đẩy các cải cách táo bạo và đổi mới về chính trị và quản trị kinh tế.
Châu Phi cần sẵn sàng thụ hưởng những lợi ích của động lực và vai trò mới này thông qua cải tổ cơ cấu, phát triển cơ sở hạ tầng thích hợp, cải tổ hệ thống giáo dục và vượt qua tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo nhấn mạnh đổi mới và chuyển giao công nghệ là nhân tố then chốt để gia tăng giá trị trong chuyển đổi kinh tế châu Phi, nơi đang cần một động lực mới để có thể cất cánh kinh tế trên cơ sở tăng trưởng với động lực thị trường, sự năng động của dân cư, quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và cải thiện các cơ hội phát triển.
Các chuyên gia chính sách phát triển của AU và UNECA cho rằng các biện pháp để châu Phi phát huy hết nội lực để tăng trưởng bao gồm nâng cao tầm nhìn của lãnh đạo, quản trị tốt, thúc đẩy áp dụng và phát triển công nghệ, đổi mới trong chuyển đổi, tăng cường hội nhập khu vực.
Các chính phủ châu Phi cần tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi với những phản ứng chính sách và hành động thận trọng, cải thiện quản trị chính trị và kinh tế để đạt được tăng trưởng cao và bền vững.
Các chuyên gia kinh tế châu Phi và Liên hợp quốc nhất trí rằng thế giới cần đầu tầu mới để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, một thị trường mới và một động lực mới. Động lực mới này có thể là chính châu Phi vì châu Phi đang cất cánh kinh tế. Châu Phi trở thành một cực tăng trưởng mới có lợi cho cả châu Phi và toàn cầu.
Nếu châu Phi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% như thời kỳ 2001-2008, trong khi phần còn lại của thế giới duy trì mức tăng trưởng 3%, thị phần của châu Phi trong Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu sẽ vượt quá 5% trong 2 thập kỷ tới, thậm chí có thể đạt thị phần này sớm hơn nếu châu Phi tăng tốc độ tăng trưởng lên gấp đôi.
Để đạt được mục tiêu này, châu Phi cần thúc đẩy các biện pháp chính sách bao gồm: xây dựng Nhà nước hiệu quả và hướng tới phát triển; đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng; cải tổ và thúc đẩy phát triển giáo dục nghiêm túc; thúc đẩy khu vực công nghiệp./.