(MPI Portal) - Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), chiều ngày 17/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm sự kiện này nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được của Chương trình GMS cũng như đề ra các định hướng hợp tác phát triển kinh tế của Chương trình GMS trong giai đoạn tới.
|
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura. Ngoài ra, Lễ kỷ niệm còn có sự tham gia của đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các Bộ Ngoại giao, Công thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện UBND các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng…; đại diện các Đại sứ quán các nước GMS tại Hà Nội (Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan); đại diện Ban quản lý các Chương trình, dự án GMS tại Việt Nam cùng sự hiện diện của các cơ quan thông tấn báo chí.
Được thành lập năm 1992 do sáng kiến của ADB, đến nay sau 20 năm hợp tác phát triển, với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ các nước GMS và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài khu vực, đặc biệt là ADB, Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc thúc đẩy hội nhập, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, nâng cao tri thức nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho phát triển giao thông, thương mại, du lịch, năng lượng, v.v…
|
Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh nhấn mạnh rằng, đối với Việt Nam, các chương trình, dự án Hợp tác GMS không tách rời mà gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Những ý tưởng, sáng kiến của Chương trình GMS đang dần thành hiện thực, đem lại những lợi ích và thay đổi tích cực cho khu vực, tạo ra sự gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ lợi ích – trách nhiệm của các quốc gia thành viên. Các nước Tiểu vùng Mê Kông trở thành một khối liên kết ngày càng được củng cố và có uy tín trên trường quốc tế.
Xây dựng Liên kết, Cạnh tranh và Cộng đồng trong khu vực Mê Kông
Các lãnh đạo các nước GMS đã khẳng định và cam kết tầm nhìn của Chương trình GMS nhằm thúc đẩy Chiến lược hợp tác 3Cs: Liên kết (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness), Cộng đồng (Community).
|
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến sự khác biệt của Chương trình GMS, được xây dựng trên các nền tảng cơ bản bao gồm: Ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển xã hội và môi trường; xây dựng và hoàn thiện khung khổ chính sách và pháp lý. Chương trình này tập trung ưu tiên các ngành: giao thông, viễn thông, năng lượng, môi trường, du lịch, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp. Hiện chương trình đang hướng tới đưa lĩnh vực Quản lý nguồn nước vào các ưu tiên của GMS.
Với sự tin tưởng và hợp tác với nhau, song song với sự tự chủ và cam kết ở cấp lãnh đạo chính trị cao nhất của các nước thành viên GMS, Chương trình đã đạt được những thành tựu đáng kể với 56 dự án đầu tư tương đương tổng số vốn trị giá khoảng 15 tỷ USD (tính đến tháng 12/2011), 177 dự án hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực GMS với tổng số vốn trị giá 286 triệu USD.
Là một thành viên tham gia tích cực trong Cộng đồng các quốc gia GMS, Việt nam đã được những thành tựu về phát triển các tuyến giao thông tiểu vùng, hành lang kinh tế GMS nhằm phát triển kinh tế địa phương, tối đa hóa lợi ích kinh tế, thúc đẩy CBTA thúc đẩy thương mại và đầu tư; Thực hiện Hợp tác phát triển năng lượng GMS; Phát triển hệ thống Siêu xa lộ thông tin nâng cao kết nối khu vực; Tham gia CEP tăng cường bền vững môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; Thúc đẩy phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
Phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác GMS
Phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) trong Chương trình GMS chú trọng vào hai phần chính bao gồm hạ tầng giao thông phần cứng và phần mềm. Theo đó, hạ tầng giao thông phần cứng đặt trọng tâm vào Chiến lược hợp tác GTVT thông qua diễn đàn GTVT tiểu vùng GMS tổ chức thường niên nhằm lập kế hoạch, xác định thách thức, trao đổi thông tin và huy động nguồn lực thiết lập kết nối qua biên giới, tạo thuận lợi về dịch vụ GTVT thông suốt trên cơ sở mạng lưới kết nối giao thông GMS.
|
Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Giao thông vận tải trình bày tham luận. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Giao thông vận tải cho biết Việt Nam có vị trí trọng yếu nằm trong 3 hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và phía Nam. Các tuyến đường chính từ Đà Nẵng – Lào – Đông Bắc Thái Lan – Bangkok, Vũng Tàu – Hồ Chí Minh – Phnômpênh – Siem Riep – Bangkok, Cà Mau – Kiên Giang – ven biển Campuchia – Bangkok; các tuyến đường phía Bắc: Hài Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh (theo đường cao tốc Trung Quốc)… Một số dự án GTVT tiêu biểu trong khuôn khổ Chương trình GMS bao gồm: dự án cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Hạ Long – Móng Cái, Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương, Dầu Giây – Phan Thiết – Nha Trang; dự án hành lang ven biển phía Nam, pha 2; kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Công.
Hiệp định GMS – CBTA là văn kiện đa phương được thông qua bởi các nước thành viên nhằm tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua biên giới chỉ qua một cửa/một lần dừng cùng các cơ chế ưu đãi khác.
Hợp tác phát triển nông nghiệp trong GMS
Nhóm công tác Nông nghiệp (WGA) được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển nông nghiệp các quốc gia GMS. Việt Nam đã bắt đầu và thực hiện các hoạt động trong khung hoạt động hợp tác vùng liên quan đến ngành nông nghiệp. Trong đó, tăng cường đối tác công – tư trong việc chia sẻ thông tin nông nghiệp; cải thiện trao dổi hợp tác về chính sách, thương mại, mạng lưới thông tin, kỹ thuật, quản lý, thông tin dịch bệnh và dinh dưỡng của động vật; đồng thời tham gia tập huấn và hội thảo các nước GMS về nông nghiệp.
|
Bà Hồ Thị Minh Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Trong phần trình bày về hợp tác nông nghiệp trong GMS, bà Hồ Thị Minh Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đối với yêu cầu hợp tác vùng, ngành nông nghiệp cần giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan tới việc tăng cường cạnh tranh bằng cách đẩy mạnh thương mại và đầu tư thông qua các hành lang kinh tế GMS, nâng cao công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp cùng với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp như là mấu chốt của tái tạo năng lượng khu vực nông thôn và hỗ trợ cung cấp các chuỗi sản phẩm kết hợp với chế biến sản phẩm nông nghiệp và buôn bán vùng biên.
Một số chương trình phát triển nông nghiệp đang được triển khai bao gồm Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp then chốt giai đoạn II (2011 - 2015), dự án vùng RETA sử dụng sinh khối hiệu quả cho năng lượng sinh học và an ninh lương thực, dự án đầu tư GMS giảm thiểu và quản lý rủi ro lũ lụt và hạn hán tại các nước GMS.
Quảng Trị: cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây
Với vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây (nối liền 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar), tỉnh Quảng Trị đang chủ động tham gia vào chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông, xây dựng và triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với EWEC. Quảng Trị cũng chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp, kinh tế thương mại, du lịch; điển hình là khu kinh tế thương mại Lao Bảo; các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và Tây Bắc Hồ Xá; các khu du lịch Cửa Việt, Cửa Tùng; khu kinh tế biển Đông Nam.
|
Ông Mai Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Ông Mai Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh rằng tuy còn tồn tại những khó khăn, thách thức về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết; thiếu hệ thống dịch vụ; khác biệt về cơ chế chính sách, quy định thủ tục giữa các nước trên EWEC; năng lực và trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; Quảng Trị đang tiếp tục nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai tốt các dự án hợp tác GMS, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến kết nối tiểu vùng hiệu quả.
Trong giai đoạn tới, cơ hội cho Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng là rất lớn, song cũng có rất nhiều thách thức. Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những hiểm họa do biến đổi khí hậu, an toàn và an ninh lương thực, năng lượng và những diễn biến tiếp theo khó lường trước đòi hỏi các nước GMS phải tăng cường hợp tác chặt chẽ.
|
Giám đốc Quốc gia ADB Tomoyuki Kimura cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ GMS. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Giám đốc Quốc gia ADB Tomoyuki Kimura đã bày tỏ sự tin tưởng rằng trên cơ sở những thành công đã đạt được trong 20 năm qua, Chương trình GMS và các thành viên sẽ tiếp tục phấn đấu vì tầm nhìn chung cho một Tiểu khu vực hội nhập hơn, thịnh vượng và hài hòa hơn. ADB sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động của GMS./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư