(MPI Portal) – Ngày 11/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo Kết quả Hội nghị Rio+20 và phương hướng hành động sau Rio+20 của Việt Nam nhằm thông báo với các Bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế về kết quả đạt được của Hội nghị Rio+20, các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị và thảo luận về phương hướng nhằm thực hiện kết quả của Hội nghị.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal) |
Chủ trì Hội nghị ông Nguyễn Thế Phương Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Setsuko Yamazaki Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam. Tới dự Hội nghị còn có đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Phương Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội nghị Rio+20 đã cam kết dành 513 tỷ USD cho phát triển bền vững, thông qua những văn kiện quan trọng về PTBV, đưa ra hơn 10.000 cam kết của chính phủ các nước thành viên Liên hợp quốc, khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế khác. Đoàn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh đóng góp vào sự thành công của Hội nghị.
|
Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam, bà Setsuko Yamazaki phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Bà Setsuko Yamazaki Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam cho rằng, kinh tế xanh là công cụ quan trọng của PTBV. Trong đó, vai trò của Chính phủ, vai trò của HTX, kinh tế tư nhân, hợp tác công tư cần được tăng lên.
Việt Nam cũng tham gia nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, 1992, ngoài cam kết đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 toàn cầu, Việt Nam còn ký 3 công ước.
Phản ánh về Việt Nam sau 20 năm, bà Setsuko Yamazaki nhận thấy, còn nhiều thách thức về giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, giảm phát thải nhà kính, giai đoạn 2012-2016 cần phát triển theo hướng hòa nhập.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội nghị Rio+20 đã có trên 190 đoàn tham dự với 150 nghìn người, có khoảng 500 sự kiện bên lề chính thức và 3000 sự kiện không chính thức, nhằm giới thiệu, quảng bá cho Hội nghị.
Trong xu thế toàn cầu, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái.
Các sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền kinh tế xanh như nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO), Đầu tư công nghệ sạch (WB), việc làm xanh (ILO), Giáo dục và phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hóa khu vực y tế (WHO)… đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Minh Hậu (MPI Portal)
|
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung của Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011- 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ xanh, hiện đại phù hợp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên tham gia vào Chương trình nghị sự 21. Việt Nam sẽ phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột chính kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, xã hội là vấn đề được Việt Nam quan tâm.
Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã đưa ra 19 lĩnh vực hoạt động ưu tiên thuộc 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Trong thời gian qua, nhiều chính sách liên quan đến các nội dung về kinh tế, xã hội và môi trường đã được ban hành nhằm triển khai thực hiện 19 lĩnh vực nêu trên.
Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, các nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững quốc tế đã được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của Việt Nam và được lồng ghép vào những chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như của các Bộ, ngành, địa phương trong đó gắn kết các mục tiêu, chi tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Bộ chỉ tiêu về PTBV cũng đã được nghiên cứu, xây dựng để giám sát, đánh giá.
Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực trong nước và cộng đồng tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn có những nỗ lực quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu PTBV nói chung và các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nói riêng với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng có điều kiện khó khăn.
Tại Ro+20, Việt Nam đã tham gia ký kết và trở thành thành viên sáng lập Viện tăng trưởng xanh toàn cầu(GGGI) và sẽ tham gia vào các dự án, với tư cách là một đối tác./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư