Quyết định của Eurozone cho các ngân hàng Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro nhận được sự hoan nghênh của Đức, Pháp, Nhật Bản, Mỹ và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
|
Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos
|
Ngày 10/6, một ngày sau khi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) nhất trí cung cấp khoản cho vay trị giá lên tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) mà không đi kèm các điều kiện chính sách để vực dậy các ngân hàng yếu kém của Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này, Mariano Rajoy, đã ca ngợi quyết định trên là một thắng lợi cho đất nước ông và cho cả châu Âu, giúp tăng cường sự tín nhiệm của đồng tiền chung euro nói riêng và EU nói chung. Đồng thời, nó cũng thể hiện lòng tin của EU đối với các nỗ lực cải cách và biện pháp khắc khổ mà nước này đang theo đuổi.
Ủy viên kinh tế Liên minh châu Âu (EU), Olli Rehn, ngày 10/6 nhấn mạnh khoản cho vay của Eurozone dành cho Tây Ban Nha là "dấu hiệu rất rõ ràng" cho thấy Eurozone sẵn sàng hành động để xoa dịu các thị trường tài chính và hạn chế sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Theo ông Rehn, Tây Ban Nha sẽ đưa ra lời đề nghị chính thức về khoản cho vay lên tới 100 tỷ euro tại hội nghị các bộ trưởng tài chính Eurozone diễn ra ngày 21/6 tới - hội nghị chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28-29/6.
Ngay lập tức, quyết định của Eurozone nhận được sự hoan nghênh của Đức, Pháp, Nhật Bản, Mỹ và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức, Jens Weidmann, bày tỏ sự tưởng vào Chính Phủ Tây Ban Nha, đồng thời không quên kêu gọi nước này tiếp tục các biện pháp cải cách trên thị trường lao động mà nước này đang tiến hành.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng khoản cho vay nói trên tuy có thể giúp làm dịu những căng thẳng trên thị trường tài chính và giúp các nhà hoạch định chính sách EU có thêm thời gian thúc đẩy các kế hoạch đang được bàn thảo, như thành lập liên minh ngân hàng, quỹ cứu trợ và cơ chế bảo đảm tiền gửi cho người dân..., nhưng không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ ở EU hay giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong khu vực hiện đã lên đến mức hai con số.
Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cũng đã nói rằng đây là khoản cho vay chứ chưa đến mức gọi là giải cứu.
Theo các nhà kinh tế, chấp nhận khoản cho vay 100 tỷ euro của Eurozone đồng nghĩa với việc nợ công của Tây Ban Nha sẽ tăng thêm 10%.
Giới phân tích cho rằng sau nhiều tuần khăng khăng từ chối, cuối cùng Tây Ban Nha đã chấp nhận để EU "cứu" các ngân hàng đang nợ chồng chất của mình do chi phí đi vay trên các thị trường mở cũng như chi phí điều chỉnh cơ cấu vốn cho các ngân hàng tăng vọt.
Khoản cho vay lên tới 100 tỷ euro của Eurozone nhằm mục đích giúp Chính phủ Tây Ban Nha vực dậy các ngân hàng nước này hiện đang gánh nhiều khoản nợ xấu trị giá hàng tỷ euro, hệ quả của quả "bong bóng" trên thị trường bất động sản nổ tung từ năm 2008 và suy thoái kinh tế thời gian qua.
Khoản cho vay trên sẽ được trích từ Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - ESM dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2012.
IMF cho rằng các ngân hàng Tây Ban Nha trước mắt cần ít nhất 40 tỷ euro (50 tỷ USD) để chi trả các khoản thua lỗ trên thị trường bất động sản nước này, song Tây Ban Nha có thể cần khoản vay lớn hơn nhiều để bù đắp các chi phí cải cách cơ cấu khác cũng như tránh cho Tây Ban Nha không bị hạ xếp hạng tín nhiệm thêm.
Con số cuối cùng sẽ được công bố chính thức sau khi EU, Ngân hàng trung ương châu Âu và IMF hoàn tất việc đánh giá tình hình trước khi đặt bút ký kết thỏa thuận chính thức./.