Ngày 15/5, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Hasan Tuluy nhận định Mỹ Latinh đã trở thành mô hình mẫu về tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu.
|
Một góc Buenos Aires của Argentina
|
Ông Hasan Tuluy nhấn mạnh tuy không có giải pháp phát triển nào chung cho các nước hoặc khu vực nhưng cũng có một số nhân tố mang tính quyết định đối với sự phát triển của các khu vực. Đó là sự phối hợp giữa chính sách kinh tế hiệu quả với đầu tư xã hội then chốt đã duy trì các động lực tăng trưởng và cơ hội để Mỹ Latinh liên tục phát triển, trong đó đảm bảo cân bằng giữa kỷ luật tài chính, các chương trình xã hội phổ quát và tăng trưởng kinh tế mạnh.
Theo số liệu của WB, trong 10 năm qua (2002-2011), thu nhập tính theo đầu người toàn khu vực Mỹ Latinh tăng đồng loạt 25%, trong đó 6 nước như Panama, Peru, Uruguay, Argentina, Chile và Cộng hòa Dominicana đạt kỷ lục tăng trưởng hơn 40%. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 tuy làm xáo động kinh tế khu vực nhưng nhờ chính sách kinh tế, kỷ luật tài chính và thể chế tài chính mạnh, Mỹ Latinh sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 3,5-4% trong năm 2012 và 2013.
Khu vực cũng đã thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới trong thập kỷ qua với 73 triệu người thoát khỏi nghèo khổ, thêm 70 triệu phụ nữ tham gia thị trường lao động kể từ năm 1980 và ngày nay, số sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam trong các trường đại học của khu vực.
Phó Chủ tịch WB khẳng định uy tín của Mỹ Latinh đã tăng lên và khu vực này giữ vai trò nổi bật hơn trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu chủ chốt như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) hoặc trong Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) sắp tới.
Trong các vấn đề toàn cầu, Mỹ Latinh không còn là “vấn đề" đối với thế giới mà đã trở thành một phần của giải pháp cho biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hoặc các dự án xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch WB cho rằng Mỹ Latinh vẫn còn nhiều vấn đề về phát triển cần khắc phục. Thu nhập bình quân theo đầu người của khu vực hiện tại chỉ bằng 30% so với Mỹ trong khi chỉ số này của khu vực Đông Á đã tăng từ 15% lên 70% so với Mỹ trong vòng 50 năm qua. Hậu cần hiệu quả làm tăng sức cạnh tranh quốc gia nhưng Mỹ Latinh vẫn chi phí hậu cần cao với mức giá trung bình cao hơn từ 2 đến 4 lần so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) hoặc so với Singapore.
Các nước Mỹ Latinh, trừ Brazil, đầu tư chưa đến 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào nghiên cứu và phát triển trong khi con số này ở Hàn Quốc, Phần Lan, Israel, Thụy Điển là từ 2 đến 5% GDP./.