Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/09/2014-10:33:00 AM
Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực
(MPI Portal) – Đây là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 6 được khai mạc vào sáng ngày 06/9/2014, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tham dự Hội nghị có đại diện của 20 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Thư ký APEC, Hội đồng tư vấn kinh doanh quốc tế APEC, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại diện các cơ quan của Việt Nam gồm Văn Phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực của APEC nhằm tăng cường hợp tác APEC đối với phát triển nguồn nhân lực. Qua 5 Hội nghị đã tổ chức, các Bộ trưởng đã đề ra các sáng kiến, dự án về phát triển nguồn nhân lực và đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đồng thời là cơ sở quan trọng để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Hội nghị lần này nhằm hiện thực hóa các nội dung của tuyên bố chung các lãnh đạo APEC, đồng thời đánh giá, tiếp nối các kết quả đã đạt được tại Hội nghị lần thứ 5. Chủ đề chính của Hội nghị là “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực”. Trong đó, có 03 tiểu chủ đề gồm: Hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; Thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất thế giới với đầu tàu là 21 nền kinh tế thành viên APEC, đóng vai trò là động lực tăng trưởng toàn cầu. Qua 25 năm phát triển APEC đã thực sự trở thành một diễn đàn liên kết kinh tế đại diện cho 40% dân số, đóng góp 54% GDP toàn cầu. Hợp tác giữa các nước thành viên đang ngày càng sôi động mang đến nhiều cơ hội và thực sự đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của mỗi nền kinh tế, của khu vực và của toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực này trong giai đoạn phát triển vừa qua. APEC đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khung khổ thể chế phù hợp. Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác của APEC đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho thanh niên, đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế APEC.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thất nghiệp còn cao, mất cân bằng cung – cầu lao động tay nghề cao, bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiểm ẩn. Đây là những vấn đề phải được giải quyết ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với vai trò của mình, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người,…coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển và là nước thu nhập trung bình, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng để Việt Nam phải nỗ lực phát huy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do có những yêu cầu và tiêu chuẩn cao về nguồn nhân lực.

Hình ảnh tại cuộc Triển lãm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Bên lề Hội nghị lần này đã diễn ra triển lãm về phát triển nguồn nhân lực với chủ đề chia sẻ tri thức, kỹ năng của APEC năng động và hội nhập. Triển lãm nhằm trưng bày những hình ảnh, kỷ vật, tư liệu về thành tựu giáo dục, kỹ năng đào tạo cũng như thành tựu phát triển nguồn nhân lực của các nền kinh tế APEC.

Trong hơn 15 năm tham gia diễn đàn APEC, Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới. Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực APEC sẽ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một châu Á – Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1006
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)