Kết luận tại buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn và cao su trên địa bàn, ngày 28/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết sẽ tạm dừng cấp phép xây mới nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh để hạn chế ô nhiễm môi trường và cân đối cung cầu giữa vùng nguyên liệu và công suất chế biến.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến các sản phẩm sau bột sắn, đường, cao su... nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh mỗi năm chỉ sản xuất 45.500ha sắn, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn củ và 89.000ha cao su, sản lượng ước khoảng 165.000 tấn (mủ quy khô), trong khi công suất chế biến của các nhà máy cho 2 loại sản phẩm này hiện nay đều cao gấp 2-3 lần so với nguồn nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 74 nhà máy chế biến bột sắn (có 50 công ty, doanh nghiệp và 24 cơ sở nhỏ), với tổng công suất hoạt động khoảng trên 4.800 tấn bột/ngày (khoảng 2.300 tấn củ/năm và một năm chỉ sản xuất 4 tháng); 27 nhà máy sản xuất mủ cao su, công suất chế biến khoảng 431 tấn sản phẩm/ngày (130.000 tấn sản phẩm/năm và một năm sản xuất 10 tháng).
Do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán không lành mạnh trên thị trường.
Một vấn đề nữa đang gây rất nhiều khó khăn cho các ngành quản lý và doanh nghiệp chế biến hàng nông sản tại Tây Ninh là giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do trước đây doanh nghiệp xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến không theo quy hoạch, không có chủ trương bố trí cụ thể, từ đó các cơ sở "mọc" lên khắp nơi; trong đó, có nhà máy, cơ sở xen lẫn trong khu dân cư, đô thị, gần sông, suối không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước và môi trường xung quanh.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã hai lần gia hạn cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn, cao su phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn loại A mới được xả ra sông, suối. Thời hạn cuối cùng là đến 30/6 tới, nếu cơ sở nào chưa xây dựng xong hệ thống xử lý đạt chuẩn sẽ phải tạm dừng hoạt động, hoặc giảm công suất chế biến để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Tây Ninh có hai con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, là một trong số 11 tỉnh, thành phía Nam thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Ngày 3/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020;” theo đó, các cơ sở sản xuất, chế biến cặp theo sông, suối phải xử lý nước thải đạt loại A mới được thải ra môi trường./.
Lê Đức Hoảnh
TTXVN/Vietnam+