Ông Takehiko Nakao đánh giá cao sự ổn định chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô, đây là hai yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế - xã hội. Để củng cố những thành tựu đã đạt được và khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng trưởng đồng đều, những cải cách cơ cấu, chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Việt Nam đã từng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới kể từ năm 1990 và đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2010. ADB hy vọng Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014 đồng thời khuyến khích Chính phủ đặt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.
Ông Takehiko Nakao cho rằng, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần thu được tối đa những lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư được tăng cường từ việc hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại. Theo ông Takehiko Nakao, Chính phủ Việt Nam nên thực hiện một cách có hiệu quả những luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
|
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao (phải) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại buổi họp báo ông Takehiko Nakao đưa ra những nhận định, đánh giá về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; hợp tác theo hình thức đối tác công – tư (PPP), cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ông Takehiko Nakao cho biết, ADB đã cam kết cung cấp 630 triệu đô-la Mỹ cho Việt Nam trong vòng 10 năm để tiến hành tái cơ cấu thử nghiệm một số doanh nghiệp nhà nước lớn, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong dài hạn nhằm phát triển một khu vực tài chính trong nước có chiều sâu hơn và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, ông Takehiko Nakao cũng nhấn mạnh, Việt Nam không thể chỉ dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI để tăng trưởng, mà phải thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam từ nông sản đến dệt may vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định do chất lượng sản phẩm chủ yếu vẫn còn thô sơ. Đây là một vấn đề tồn đọng nhiều năm, gây trở ngại đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế và làm chậm quá trình giảm nghèo của Việt Nam. Để góp phần giải quyết vấn đề này trong giai đoạn 2014-2020, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB vào năm 1966. Kể từ khi khôi phục lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đã đạt tổng cộng 12,85 tỷ đô-la Mỹ (tính đến tháng 12 năm 2013). Chương trình cho vay hàng năm của ADB hiện vào khoảng 1,3 tỷ đô-la hỗ trợ cho giao thông, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên, cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị khác, giáo dục và tài chính.
ADB sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực chậm phát triển như lĩnh vực bình đẳng giới, năng lượng tái tạo và vùng khó khăn. Đồng thời, ADB cũng hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo dạy nghề. Tại buổi họp báo, ông Takehiko Nakao cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả, nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam./.
ADB có trụ sở chính tại Ma-ni-la, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó 48 thành viên trong khu vực.
|
|