Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/09/2014-10:32:00 AM
Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt
Ứng dụng khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần đáng để làm tăng năng suất và chất lượng nông sản trong những năm qua đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.
Người dân Quảng Trị thu hoạch lúa vụ Hè Thu. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Đặc biệt, đến nay, trong lĩnh vực trồng trọt đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 40-60% diện tích mía, bông, cây ăn quả… được dùng giống mới. Tỷ trọng áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp ước tính chiếm 35% và do phần lớn diện tích cây trồng được sử dụng giống mới nên có năng suất, chất lượng tốt tạo sự canh tranh trên thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam.
Đó là lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt do Bộ này vừa tổ chức ngày hôm nay (23/9), tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay, ngoài việc ứng dụng công nghệ lai tạo cải tiến các dòng giống chất lượng như lúa, ngô, chè… thì các công nghệ vi sinh để nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học, vi sinh tái tổ hợp trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý nước thải, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng được ứng dụng rộng rãi.
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy, đã có nhiều quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng thực tiễn sản xuất làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân như quy trình ghép cải tạo vườn xoài làm tăng năng suất từ 1,5-2,5 lần; kỹ thuật cắt tỉa sau thu hoạch và điều khiển ra hoa cho giống xoài GL6 trồng ở một số tỉnh miền Bắc cho năng suất đạt 24 tấn/ha, cao gấp 5-6 lần.
Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng và hoa cúc bằng phương pháp giâm cành, nâng tỷ lệ sống của hoa hồng từ 50% lên 90%, của hoa cúc từ 70% lên 100% và quy trình khác như quy trình sử dụng xác hữu cơ che phủ cho sản xuất lạc, quy trình che phủ đất canh tác vùng dốc…
Ngoài ra, công nghệ vi sinh tạo ra nhiều chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất như chế phẩm thảo mộc trừ ốc bươu vàng, bả protein (Entopro) có hiệu quả phòng trừ ruồi, chế phẩm Pheromone trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu keo da láng có hiệu quả cao; chế phẩm sinh học trừ kiến, trừ bệnh hại rễ cây ăn quả, rau và hoa, trừ rầy chống cánh rệp sáp, chế phẩm vi sinh giúp cây cố định đạm và phân giải lân trong đất hữu dụng cho cây trồng, phòng trừ tuyến trùng và nấm bệnh hại rễ cây càphê, hồ tiêu…
“Để đạt được những thành tựu đó, nhà nước đã quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ trong ngành ngày càng đang dạng. Vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ trung bình tăng 11-12%, đầu tư cho khuyến nông cũng tăng hơn 11%/năm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu được tăng cường và tại một số cơ sở nghiên cứu đã có trang thiết bị hiện đại,” Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Đánh giá những yếu tố khoa học công nghệ và kỹ thuật được áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ đã có bước đổi mới theo hướng xã hội hóa, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.
"Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (giống, chế phẩm, quy trình công nghệ mới…) được áp dụng đã góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu cũng đã góp phần tạo thêm ngành nghề mới, thêm việc làm mới ở nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân," Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, song hiện trình độ công nghệ sản xuất nhiều sản phẩm vẫn còn thấp và lạc hậu, việc xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm chuyển biến, hạn chế việc nâng cao giá trị gia tăng…
Bởi vậy, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cơ sở cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học cho các cây trồng phát huy được thế mạnh tại các địa phương và sản phẩm có thị trường tốt./.

Thanh Tâm
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1373
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)