|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Công Thương.
(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Cụ thể, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu có thể đạt từ 148 - 150 tỷ USD, tăng 12 - 13,5% so với năm 2013; nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013.
Như vậy, cả năm 2014, Việt Nam có thể xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Báo cáo chi tiết hơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; trong khi kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 107,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung 9 tháng, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,7 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực của ngành công thương như dệt may, da giày, hóa chất ... qua 9 tháng đều có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt sẽ là yếu tố then chốt để hoàn thành các chỉ tiêu của ngành công thương những tháng cuối năm.
Đơn cử, xuất khẩu dệt may qua 9 tháng đã đạt 17,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm xuất khẩu ngành này có thể đạt 24,5 tỷ USD (tăng khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra).
Bên cạnh đó, đã có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục có nhiều dư địa tăng thêm những tháng cuối năm.
"Với những yếu tố trên, dự báo năm 2014 các chỉ tiêu về xuất khẩu và xuất siêu đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mặc dù mới hết quý III nhưng các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm của ngành công thương đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
"Theo mục tiêu đến 2020 mới xuất siêu, nhưng 3 năm gần đây nhờ tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 20% đã giúp cân bằng cán cân thương mại. Chính điều này nói lên năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế đã dần được cải thiện", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tạo ra sự đột phá trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Công Thương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp.
"Cần đặt địa vị là doanh nghiệp, người dân mới thấy hết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính. Do vậy, phải xác định cải cách thể chế là khâu đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành," Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ Công Thương./.
Theo kế hoạch từ đầu năm, ngành công thương sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu là 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013 và thặng dư thương mại đạt 500 triệu USD. Tuy nhiên, cá giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra cho thấy, mục tiêu xuất siêu1,5 tỷ USD có thể cán đích./.