Hội thảo“Đánh giá và thảo luận về sản phẩm thủ công chế tác hướng tới du khách nước ngoài, phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Quảng Nam” đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 14/1 tại thành phố Tam Kỳ.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
|
Dưới hình thức chia sẻ thông tin, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, Quảng Nam là địa phương sở hữu nhiều làng nghề truyền thống có giá trị. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về công năng và yếu tố kỹ thuật của sản phẩm, yếu tố quan trọng là thuyết phục tâm lý khách hàng đối với sản phẩm chưa được các cơ sở sản xuất của tỉnh Quảng Nam chú trọng đúng mức.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam nếu có thể điều chỉnh về kỹ xảo, giá thành và được quảng bá rộng rãi hơn thì hoàn toàn có khả năng thu hút được sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, để chạy theo sản lượng, nhiều làng nghề có xu hướng đưa máy móc vào một số khâu sản xuất nên làm hạn chế sự tinh xảo, chiều sâu…
Trên cơ sở nghiên cứu đặc tính, yếu tố văn hóa của từng sản phẩm cũng như tâm lý của khách hàng, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã giúp các nghệ nhân, các chủ cơ sở sản xuất nhiều kinh nghiệm bổ ích, thiết thực đối với nhiều làng nghề nói riêng và việc khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Quảng Nam nói chung.
Quảng Nam hiện có 61 làng nghề truyền thống, thu hút hàng chục nghìn lao động ở nông thôn. Trong số các làng nghề truyền thống đang hoạt động, có 24 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Tuy nhiên phần lớn các sản phẩm từ các làng nghề chưa thật sự có chỗ đứng trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Để phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ khách du lịch và hướng đến xuất khẩu, các làng nghề truyền thống tiêu biểu đang được địa phương tạo điều kiện về vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá sản phẩm; được hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng, ưu đãi về thuế khi được các nhà đầu tư đưa vào sản xuất trong các cụm công nghiệp, làng nghề tại các địa phương./.