Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/08/2014-09:40:00 AM
Doanh nghiệp giao thông kỳ vọng tạo đột phá sau cổ phần hóa
Ngành giao thông được đánh giá là đi đầu trong công tác cổ phần hóa khi từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và tổ chức thành công đại hội cổ đông.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21947176.JPG

Cán bộ công nhân công ty Cienco 4 rải thảm bêtông asphalt đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Việc chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa đồng nghĩa với những đổi mới trong chiến lược kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo ra “đột phá” cho các doanh nghiệp giao thông.

Tổng công ty Công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1) là doanh nghiệp tiên phong trong ngành giao thông tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới từ tháng 4/2014. Đơn vị này đã tiến hành đại hội lần thứ nhất và được đánh giá là thành công vượt ngoài mong đợi.

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cienco 1, ông Phạm Dũng chia sẻ: "Sau khi cổ phần hoá, với thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã được khẳng định qua nhiều công trình trọng điểm có kết cấu phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, Tổng công ty chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Khi hoạt động theo mô hình mới, với sự tham gia của các cổ đông chiến lược đến từ nước ngoài (Nhật Bản), Cienco 1 sẽ có thêm cả tài chính, kinh nghiệm quản lý và ưu thế, thiết bị kỹ thuật để tìm cho mình những dự án lớn hơn và tranh thủ được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các dự án, kể cả dự án BT, BOT."

“Cienco 1 đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.195 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, lợi nhuận trước thuế đạt 78,8 tỷ đồng; tỷ suất cổ tức/vốn cổ phần đạt 7%, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng” - ông Phạm Dũng nói.

Trong tháng Năm vừa qua, tiếp tục có ba doanh nghiệp lớn khác trong ngành tiến hành xong đại hội cổ đông lần thứ nhất là Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam -CTCP (Vinamotor), Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco 4).

Ông Bùi Doãn Toản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TEDI nhìn nhận, quá trình cổ phần hóa đã giúp Tổng công ty tìm được các nhà đầu tư chiến lược mạnh là Công ty Oriental Consultans (OC) của Nhật Bản và Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm (FECON) của Việt Nam.

Điều này tạo điều kiện cho Tổng công ty sau cổ phần hóa có cơ hội mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tư vấn xây dựng và hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.

“Thời gian tới, TEDI định hướng sẽ phát triển trở thành hãng tư vấn có tính chuyên nghiệp cao, quản lý và hoạt động tiếp cận theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, thỏa mãn nhu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn trong nước và trong khu vực, đủ điều kiện tham gia hội nhập, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế” - ông Bùi Doãn Toản chia sẻ.

Cụ thể, TEDI sẽ duy trì thế mạnh của Tổng công ty trong các nhóm sản phẩm truyền thống căn cứ theo yêu cầu khách hàng và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp để tập trung nguồn lực theo thứ tự ưu tiên của từng nhóm: Khảo sát (địa hình, địa chất công trình và vật liệu xây dựng, dự báo giao thông, môi trường, thủy hải văn); Thiết kế (đường ôtô thông thường, cầu lớn – hầm, đường ôtô cao tốc; Tư vấn giám sát, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, cảng – đường thủy, đường sắt). Đặc biệt, TEDI sẽ mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác nước ngoài nhằm xúc tiến dự án, tiếp nhận công nghệ mới và xuất khẩu dịch vụ của Tổng công ty ra nước ngoài.

Đối với Cienco 4, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Quang Vinh cho biết, sau khi cổ phần hoá thành công, Tổng công ty sẽ tiến hành đổi mới toàn diện công tác quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả bộ máy.

“Cienco 4 sẽ đề nghị tiếp tục bán hết vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty, thoái bớt vốn tại các công ty con để có thêm vốn đầu tư. Khi hoạt động theo mô hình mới, Cienco 4 sẽ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư các công trình BOT giao thông” - ông Vinh khẳng định.

Trong chiến lược phát triển của mình, Cienco 4 tập trung đầu tư phát triển các công ty, đơn vị phụ thuộc mạnh về quy mô, tiềm lực, thiết bị, công nghệ, tài chính để nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về trình độ kỹ thuật, công nghệ.

Tổng công ty cũng đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, trước mắt ưu tiên cho công nghệ mới về thi công hầm, cầu dây văng, dầm hộp có khẩu độ lớn, cầu vòm ống thép nhồi bê tông… Cùng với đó, Tổng công ty sẽ đầu tư xây dựng thương hiệu về mọi mặt nhằm xây dựng Cienco 4 trở thành Tổng công ty xây dựng hàng đầu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh đối với thị trường trong nước và khu vực.

Trong giai đoạn 2014 – 2018, Cienco 4 đề ra mục tiêu sản lượng năm 2014 đạt trên 4.900 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 4.500 tỷ đồng; các năm tiếp theo tăng trên 10%/năm; trả cổ tức cho cổ đông đạt trên 12%/ năm, các năm tiếp theo cố gắng trên 15%/năm.

Nhận xét về quá trình cổ phần hoá của các doanh nghiệp trong ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đình La Thăng cho biết, việc ổn định bộ máy quản lý, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao có một ý nghĩa quan trọng. Dù bước đầu có những thành công nhưng qua tìm hiểu, các doanh nghiệp trong quá trình tiến hành cổ phần hoá cũng có những khó khăn nhất định. Thực tế này cùng với khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp vẫn đang là rào cản lớn đối với quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Tính đến thời điểm này, có chín doanh nghiệp ngành giao thông đã tiến hành cổ phần hóa và nhiều đơn vị đã đại hội thành công. Mục tiêu sau cổ phần hoá của các doanh nghiệp là ưu tiên tính ổn định, bảo đảm đời sống việc làm cho người lao động.

Đến nay, cũng chỉ có ít doanh nghiệp có sự xáo trộn bộ máy lãnh đạo như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là ông Phạm Quang Dũng - một cổ đông lớn từ TASCO.

Theo ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4, không nên quá đặt nặng việc "đi hay ở" bởi các cổ đông bỏ vốn đầu tư, giao cho mình điều hành, nếu không đáp ứng được yêu cầu, không mang lại hiệu quả, tất yếu sẽ bị đào thải và thay thế bởi người tài năng hơn. Điều đó chỉ tốt hơn cho doanh nghiệp, không có gì đáng lo ngại.

Ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Cienco 1 cho rằng, khi cổ phần hoá xong, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều công khai, minh bạch. Những người đứng đầu cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý, sẵn sàng từ nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó thúc đẩy tất cả mọi người cùng nỗ lực, cố gắng lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển./.

Quang Toàn
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1442
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)