Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết với tổng giá trị trao đổi hàng hóa hơn 2 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đã tăng trưởng bứt phá sau khoảng thời gian dài luôn tăng trưởng âm.
|
Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Lê Lâm/TTXVN)
|
Cũng theo bà Phan Thị Diệu Hà, tính đến đầu tháng 7/2014, Việt Nam xuất sang Anh với các mặt hàng chính như dệt may đạt hơn 246 triệu USD, giày dép các loại đạt hơn 265 triệu USD, điện thoại và linh kiện hơn 670 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ trên 134 triệu USD… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập từ Anh các mặt hàng máy móc thiết bị phụ tùng khoảng 110 triệu USD, dược phẩm hơn 60 triệu USD…
Đặc biệt, trong số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Anh, nhóm hàng đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, thủy hải sản và điện thoại di động đang có uy tín cao, tăng trưởng tốt, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Tuy nhiên, phản hồi từ phía thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho thấy, việc thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đang vấp phải một số trở ngại. Cụ thể, do sự chênh lệch về phát triển và trình độ văn hóa kinh doanh bởi thị trường Anh có kết cấu chặt chẽ, mạng lưới phân phối chuyên ngành nên các nhà cung cấp mới cần có thời gian thâm nhập và tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng được tổ chức rất cao này.
Ngoài ra, khó khăn càng tăng lên khi các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và các nhà cung cấp đến từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil.
Do vậy, để gia tăng thị phần tại thị trường Anh, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chương trình hành động bài bản; kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng; xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm của mình với đối tác, đồng thời chú ý đến các quy định mà thị trường này đặt ra.
Mặt khác, tại Anh cũng như nhiều nước kinh tế phát triển khác, doanh nghiệp không dùng hộp thư miễn phí trong giao dịch kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên nghiệp hơn trong việc sử dụng thương mại điện tử, tránh dùng các hộp thư miễn phí có đuôi như yahoo, hotmail, gmail sẽ bị máy tính của người nhận lọc tự động gây thiệt hại trong hiệu quả kinh doanh./.