Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy, thuộc Trường Đại học Nha Trang sau khi thiết kế và đóng mới thành công tàu vỏ composite dùng cho đánh bắt cá ngừ đại dương theo đơn đặt hàng của Công ty Yanma (Nhật Bản), tiếp tục triển khai dự án Phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững do Yanma đề xướng.
|
Tàu đánh cá vỏ thép. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
|
Công ty Yanma sẽ xây dựng các đội tàu vỏ composite tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi tỉnh 60 chiếc theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản.
Ngư dân các tỉnh nói trên tiến hành khai thác cá, phía Công ty Yanma sẽ quản lý chất lượng cá ngừ và bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm. Qua đó, Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy đang tiếp cận, giới thiệu mẫu tàu mới đến ngư dân các tỉnh, kết hợp việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và dự án nói trên để phát huy hiệu quả cao nhất.
Cũng tại Khánh Hòa, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Cam Ranh đã triển khai đóng mới và bàn giao hai tàu lưới vây cho ngư dân Quảng Ngãi theo chương trình thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang tiếp tục đóng mới hai tàu cá vỏ thép cho ngư dân theo chương trình hỗ trợ vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nghề cá tỉnh Quảng Ngãi.
Bước đầu, công ty đã chủ động phối hợp với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa tổ chức giới thiệu tính năng, ưu điểm và các mẫu thiết kế của tàu cá vỏ thép đến các ngư dân đồng thời xin ý kiến đóng góp của các ngư dân vào các mẫu thiết kế để phù hợp với từng ngành nghề và từng vùng, miền khai thác. Đến thời điểm hiện nay, công ty đang xúc tiến thiết kế và ký hợp đồng đóng mới tàu cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi (21 tàu), Bình Định (24 tàu), Phú Yên (17 tàu) và Khánh Hòa (15 tàu).
Theo chỉ tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân bổ, ngư dân bốn tỉnh Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa được vay vốn để đóng mới trên 780 tàu; chất liệu vỏ gỗ, sắt hoặc composite do ngư dân lựa chọn và quyết định./.