Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất từ nay đến năm 2020.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hơn 4.000 tỷ đồng; vốn vay ODA gần 3.000 tỷ đồng; vốn địa phương gần 5.000 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân hơn 521 tỷ đồng.
Long An quy hoạch thành sáu vùng. Cụ thể, vùng một có tổng diện tích 144.898ha gồm huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần phía Tây Quốc lộ 62 của huyện Mộc Hóa và huyện Tân Thạnh. Vùng hai là khu vực với vị trí phía Bắc giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, phía Tây giáp Quốc lộ 62, phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía Đông giáp huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa, với tổng diện tích 85.355ha.
Vùng ba có tổng diện tích 76.442ha gồm huyện Đức Huệ, một phần diện tích huyện Thủ Thừa, một phần phía Tây huyện Bến Lức. Vùng bốn là toàn bộ huyện Đức Hòa với diện tích 40.733ha. Vùng năm là huyện Cần Giuộc và một phần huyện Bến Lức với diện tích 60.210ha. Vùng sáu gồm thành phố Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Bến Lức, với tổng diện tích hơn 40.000ha. Đây là những vùng có nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng vì bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn vào mùa khô hoặc ô nhiễm từ khu công nghiệp, khu dân cư.
Với quy hoạch trên, tỉnh long An tập trung xây dựng các công trình mở rộng trục tiếp nước qua vùng Đồng Tháp Mười, thuộc các kênh như Tân Thành-Lò Gạch, Nguyễn Văn Tiếp-Rạch Chanh, Bảo Định. Địa phương thực hiện nạo vét, bổ sung, nâng cấp hệ thống kênh rạch từ trục chính, kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến nội đồng. Hệ thống cống, đập đê, bờ bao các cấp để kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, trữ ngọt được sửa chữa, xây dựng. Long An phát triển hệ thống trạm bơm điện, trang bị thêm máy bơm nhỏ; xây dựng hệ thống công trình kiểm soát mặn theo hình thức bao từng lưu vực sông rạch vùng Hạ, hoàn thiện khép kín các dự án kiểm soát mặn và ngọt hóa.
Việc xây dựng các công trình thủy lợi tạo điều kiện giúp Long An phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả đối với hơn 298.000ha đất nông nghiệp.
Ngoài ra, địa phương chủ động kiểm soát lũ lụt, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Các vấn đề tạo nguồn tưới, tiêu, kiểm soát mặn được giải quyết hiệu quả. Nguồn nước lũ được sử dụng để rửa phèn, lấy phù sa cải tạo đất phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy thoái dòng chảy thượng lưu, chống xói lở, bồi lắng và bảo vệ nguồn nước được chủ động hơn./.