Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn và lãnh đạo Tập đoàn Youngone gắn biển công trình. Ảnh minh họa. (Nguồn: namdinh.gov)
|
Trong danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi vốn đầu tư (chủ yếu là đầu tư nước ngoài), có 2 dự án lớn là dự án đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ và dự án xây dựng cảng Thịnh Long, với vốn đầu tư 1 tỷ USD/dự án. Hình thức đầu tư được các nhà đầu tư lựa chọn theo các phương thức BOT, PPP, TBD...
Bên cạnh đó, dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dệt nhuộm Rạng Đông có vốn 100 triệu USD (vốn đầu tư nước ngoài) được Nam Định rất quan tâm.
Hiện nay, dự án cơ bản đã được Chính phủ nhất trí về chủ trương. Sau khi hoàn thành và đi vào khai thác, Khu công nghiệp Rạng Đông (quy mô 1.500ha, trong đó giai đoạn 1 là 600ha) sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong lĩnh vực sợi-dệt-nhuộm kết hợp phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm cho 200.000 lao động.
Ngoài ra, danh mục dự án kêu gọi đầu tư cũng tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất phụ tùng, lắp ráp ôtô; sản xuất sản phẩm phục vụ ngành điện, điện tử; sản xuất thiết bị, máy nông nghiệp; sản xuất thiết bị cơ khí phụ trợ; chế biến, nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao; dự án đầu tư Khu đô thị đại học tập trung; dự án hạ tầng các khu công nghiệp Mỹ Thuận, Hồng Tiến và Mỹ Trung; dự án nâng cấp cảng biển Thịnh Long...
Hiện nay, tỉnh Nam Định đang khẩn trương hoàn tất đàm phán về dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Hậu. Các hợp đồng thuộc hợp phần dự án cũng đang được chủ đầu đẩy nhanh tiến độ. Dự án nhà máy nhiệt điện Hải Hậu có tổng công suất 2.400MW, tổng giá trị đầu tư 4,5 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích hơn 250ha thuộc hai xã Hải Ninh và Hải Châu của huyện Hải Hậu.
Dự án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2016-2017) sẽ xây dựng hai tổ máy (tổng công suất 1.200 MW), giai đoạn 2 (2020-2021) xây dựng tiếp hai tổ máy còn lại (tổng công suất 1.200).
Nhà máy sẽ vận hành theo phương thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) trong vòng 25 năm. Dự kiến, tổng giá trị bán điện trong vòng 25 năm ước tính đạt khoảng 25 tỷ USD. Dự án dự kiến được khởi công trong năm 2015.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nam Định đã tăng mạnh trong thời gian qua. Trong 9 tháng của năm nay, Nam Định đã tiếp nhận 9 dự án có vốn FDI, với tổng mức đầu tư 130 triệu USD, so với con số 137 triệu USD của 19 dự án giai đoạn 2009-2013.
Kết quả này là do Nam Định đã rất nỗ lực phá thế "ngõ cụt về địa lý" khi đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo mạng lưới giao thông thuận tiện kết nối với các vùng, đặc biệt với Hà Nội.
Ngoài ra, Nam Định cũng đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn về đất đai, thuế, hỗ trợ giải phòng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động...; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư./.